Dành cho giáo viên mới: Những điều cần thiết trong quản lí lớp học
Trước khi chia sẻ suy nghĩ của mình, tôi phải làm rõ điều này. Nếu bạn đang tìm kiếm một giải pháp thần kì để đối mặt với những thử thách của lớp học, mấy điều sau đây có thể là có ích, nhưng đừng kì vọng sự thay đổi lớn lao chỉ sau một đêm. Hơn nữa, hãy nhớ rằng một lí thuyết hướng dẫn hiệu quả (ví dụ như: làm sao để tin rằng học sinh sẽ học tập một cách tốt nhất) và một giáo án tốt tạo nên nền tảng cho việc học tập hiệu quả của học sinh. Như đã nói, dưới đây là bốn điều cần có để tạo nên một lớp học thành công.
- Tạo sự hứng thú
“Chúng ta sẽ có bài kiểm tra ở phần này”, đây chỉ đơn giản là một cách thường dùng để thúc đẩy niềm hứng khởi trong học sinh. Sự hào hứng được tạo ra và duy trì bởi chính người giáo viên. Khi họ tỏ ra sôi nổi hoặc cố gắng để lôi cuốn học sinh tham gia vào các hoạt động trong lớp học. Tin tôi đi, học sinh rất nhạy cảm để biết khi nào thì chúng ta không hào hứng với những gì mình đang làm. Điều đó hiển hiện trên mặt, trong thái độ, giọng nói và cử chỉ, thậm chí cả cách giáo viên di chuyển trong lớp. Hãy ghi hình/ quay video lại một buổi học và xem lại chính mình trong đó. Bạn có thực sự sôi nổi? Sau khi xem chính mình, bạn có cảm thấy hào hứng không? Nếu nội dung hoặc kĩ năng mà bạn dạy là không phải là thế mạnh của bạn hoặc bạn không hứng thú với nó, thì câu tục ngữ “Giả nhiều thành thật” sẽ có ích cho bạn.
Không gì đem lại sự hào hứng cho một học sinh hơn là thể hiện sự hiểu biết của mình với người khác. Không vận động viên nào muốn vào sân và làm rơi bóng trước mặt người hâm mộ. Ví dụ, nếu bạn muốn học sinh của mình học về thời gian biểu, hãy tổ chức một cuộc thi giữa các lớp và mời lớp khác, các giáo viên hoặc các thành viên trong gia đình của học sinh tham gia. Bây giờ thì bầu không khí sôi động hơn rồi đấy. Với những cây bút trẻ có năng khiếu viết bài tường thuật hoặc các bài báo ngắn về cộng đồng của họ, bạn có thể tạo cơ hội cho họ viết và đăng trên tạp chí của trường, website hoặc gửi đến các cuộc thi.
Cuối cùng, đưa ra những bài kiểm tra kiến thức thường xuyên. Sự đánh giá thường xuyên giúp giáo viên có được thông tin quan trọng để xây dựng giáo án, đồng thời nhắc nhở học sinh và định hướng cho họ. Nếu học sinh của chúng ta biết rằng họ không cần nắm được kiến thức cho đến khi có bài kiểm tra trong vòng ba tuần, họ sẽ chỉ bắt đầu cảm thấy khẩn trương khi mà kì kiểm tra đến gần. Ví dụ, một câu đố mỗi tuần sẽ giữ cho việc học luôn mới mẻ.
2. Ngầm đưa ra sự khích lệ tích cực
Một trong những thử thách khi làm việc với người trẻ đó là họ thường muốn mọi thứ ngay lập tức. Đối với học sinh của chúng ta, hãy tạo nên những cột mốc trong chặng hành trình học tập để học sinh có thể thấy được quá trình tiến bộ của mình. Ví dụ, một học sinh có thể không thấy được sự tiến bộ trong bài tập cuối khóa nhưng khi tôi phân chia cấp độ hoàn thành của bài tập đó và đưa ra những gợi ý mang tính chuyên môn, các học sinh có thể đo được sự tiến bộ và bài tập cuối khóa đó nhanh chóng trở nên dễ dàng. Hãy đặt những câu hỏi như “Em có thể chia sẻ với các bạn về mục tiêu học phân số của mình như thế nào không?”, “Tôi có thể làm gì để giúp em hoàn thiện bức tranh chân dung cho cuộc thi mỹ thuật?” hoặc “Em nghĩ cách nào là tốt nhất để giới thiệu những cuốn sách em đã đọc với các thành viên trong gia đình?” Những câu hỏi đó thúc đẩy sự hoàn thiện bản thân, đồng thời tổng kết được những điểm tốt nhất ở học sinh, sự nỗ lực và sự tiến bộ. Đó cũng là chìa khóa để học sinh nhận ra sự trưởng thành tuyệt vời của chính họ thông qua những cơ hội chiêm nghiệm. Ví dụ, các học sinh của tôi, đã thiết kế một cuốn sổ hộ chiếu và dùng các trang để ghi lại những gì họ đã học được.
3. Thiết lập một Nhóm học tập “Hoàn thành tốt, Kiến thức bền”
Có một sự khác biệt khi tôi viết mục tiêu học tập của mỗi ngày lên bảng và sau đó nhắc đến nó một cách có chủ đích ngay khi bắt đầu tiết học. Khi tôi chỉ cho học sinh thấy rằng họ đã hoàn thành mục tiêu ở cuối buổi, việc này còn hiệu quả gấp đôi. Dưới đây là vài điều bạn cần cân nhắc. Là một giáo viên, tôi nhận ra tôi không thể làm tất cả mọi thứ. Tôi chọn các học sinh để giúp tôi hoàn thành một vài việc đơn giản hơn, để tôi có thể tập trung vào những thứ quan trọng hơn.
Tôi nhận ra các học sinh, bất kể lứa tuổi nào, đều yêu thích việc thu bài tập hoặc đi quanh lớp ngó nghiêng giám sát các bạn hoàn thành công việc. Thi thoảng tôi sử dụng những việc nhỏ nhặt này để làm phần thưởng cho học sinh. Lần khác, tôi dùng chúng để tránh cho học sinh phá rối. Các nhóm cần một thủ lĩnh hoặc trưởng nhóm. Chọn một học sinh có đủ tự tin để lãnh đạo, sau đó cho phép các học sinh chọn người có quyền điều khiển thứ hai, làm nhiệm vụ phân công trách nhiệm quản lí lớp học. Học sinh mà bạn chọn phải tháo vát vì họ sẽ làm việc với tất cả học sinh khác trong lớp. Tôi gọi họ là những người quản lí chung.
Tiếp theo, tôi giao cho người thủ lĩnh của lớp nhiệm vụ kiểm soát phiếu bầu của các thủ lĩnh khác và đưa ra quyết định cho lớp. Học sinh cũng giúp tôi chuẩn bị học liệu. Các quản lí lớp học của bạn sẽ hữu ích khi giáo viên có nhiều bài tập cùng lúc. Và các thầy cô sẽ ngạc nhiên về tinh thần trách nhiệm của họs sinh đối với nhiệm vụ.
4. Giữ cho học sinh cư xử trong chừng mực phù hợp
Tôi muốn học sinh cảm thấy thoải mái trong lớp mình, nhưng không quá thoải mái đến mức họ uể oải hoặc mất tập trung trong các giờ học. Kế hoạch quản lí lớp học của tôi có bốn nguyên tắc mà tôi sẽ chia sẻ sau đây:
Có sự kì vọng rõ ràng cho các hành vi ứng xử, với những hậu quả rõ ràng. Điều này không có nghĩa tôi chỉ đơn giản phê bình khi cảm thấy học sinh cư xử không đúng. Tôi thu được những kết quả tốt nhất khi học sinh biết rằng sau một lời cảnh cáo, việc đầu tiên là tôi sẽ gọi về cho phụ huynh trước khi quản lí can thiệp. Tôi cũng yêu cầu học sinh viết thư xin lỗi cả lớp hoặc xin lỗi tôi. Nếu cần thiết hơn, tôi sẽ sao ra một bản của bức thư kèm theo hình thức kỉ luật. Quản lí sẽ tôn trọng điều này bởi vì họ có thể đưa nó cho phụ huynh hoặc người đỡ đầu của học sinh xem, đồng thời xác định được mức độ hành vi vi phạm, bước tiếp theo sẽ giúp học sinh khắc phục.
Đặt sự kì vọng cho những hành vi tốt ở mỗi hoạt động. Tôi nói rất rõ ràng với cả lớp ngay từ đầu tiết học và đưa ra những ví dụ về: khả năng đạt được, làm việc nhóm, các cấp độ của giọng nói và kì vọng về sản phẩm (cần hoàn thành bao nhiêu trong một khoảng thời gian). Thường thì tất cả những gì cần làm đó là nhắc nhở tế nhị với một học sinh: “Diane, em nên dùng cấp độ giọng nói như thế nào? Raul, hãy nhìn lên bảng và cho tôi biết nếu em cần rời khỏi chỗ bây giờ”.
Thường xuyên theo dõi sự tiến bộ và hành vi của học sinh. Tôi muốn ngồi xuống và làm mấy việc kiểu như viết nhận xét hoặc chuẩn bị việc khác trong khi học sinh đang làm bài tập cá nhân một cách hiệu quả. Tuy nhiên nếu muốn học sinh thực sự làm các bài tập cá nhân thực sự hiệu quả, tôi cũng phải đi quanh lớp như một con ong bay từ hoa này sang hoa khác, không ở lại một chỗ nào quá lâu. Tôi quan sát họ làm việc và nhận xét để hỗ trợ họ, để dành công việc giấy tờ và những nhiệm vụ chuẩn bị khác cho giờ ăn trưa hoặc sau giờ dạy.
Tận dụng và duy trì những thói quen trong lớp học. Điều này đảm bảo rằng bạn không phải giải thích những gì học sinh cần thực hiện ngày này sang ngày khác. Họ bắt tay tôi, trả lời câu hỏi của tôi và sau đó vào lớp để thực hiện bài khởi động. Chúng tôi làm vậy mỗi ngày. Tôi luôn luôn yêu cầu tình nguyện viên làm những điều tương tự và tôi đòi hỏi sự chú ý của học sinh theo cùng cách đó. Tôi đưa ra những câu đố và kiểm tra vở bài tập vào các ngày thứ Sáu. Có những quy trình sử dụng phòng vệ sinh được ấn định. Khi một số học sinh không tập trung vào nhiệm vụ, tôi dán vào vở của họ những tấm giấy nhớ bên trên có một hình ảnh. Khi làm như thế, tôi nói to “Hoan hô!” hoặc “Tốt lắm!”, tôi thường không phải nói thêm gì mà các học sinh khác đều thấy và cũng muốn được khen, vì vậy mà thường là họ sẽ bắt đầu vào công việc.
5. Tiếp tục cố gắng
Khoảng 180 ngày mỗi năm, học sinh đến các lớp học của chúng ta để được khơi dậy khát khao học tập. Điều đó cho thấy trong 180 ngày, chúng ta có cơ hội vô cùng lớn để tạo nên một môi trường học tập lôi cuốn mà trong đó, học sinh sẽ rất thích những trải nghiệm học tập.
Khi chúng ta dự định thiết kế và phát triển một môi trường có sự hưởng ứng tích cực, sự khích lệ, tự giác và có kỉ luật trong lớp học của mình, chúng ta đã cho học sinh (và chính chúng ta) những trải nghiệm học tập đáng nhớ.
Đặng Thanh Hiền dịch
0 nhận xét | Viết nhận xét
Nhận xét
Viết nhận xét
Họ và tên:Email:
Nhận xét của bạn: