Học trò Sài Gòn học chữ nhiều, ít học lễ nghĩa
Ở trường học nào cũng để dòng chữ ''Tiên học lễ hậu học văn'', nhưng một số trường lại đi ngược lại điều đó.
Đó là chia sẻ của một học sinh tại buổi gặp gỡ với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ngày 28/3 của 160 học sinh, đại diện cho các trường trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên ở thành phố .
[caption id="attachment_88" align="aligncenter" width="500"] Các học sinh đã thẳng thắn bảy tỏ những ý kiến, suy nghĩ của mình với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: T.A[/caption]
Rất nhiều học sinh đã đưa ra các ý kiến rất quyết liệt xoay quanh chủ đề học sinh với văn hóa ứng xử học đường. Những vấn đề học sinh quan tâm là nội dung học chưa thiết thực, môi trường văn hóa học đường chưa văn minh, đặc biệt là vấn đề học sinh phải học kiến thức quá nhiều....
Đi ngược với tiên học lễ hậu học văn
Bày tỏ ý kiến của mình, Yến Hòa, học sinh Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn, quận 3 thẳng thắn: ''Ngay cổng hoặc khuôn viên bất kỳ trường học nào cũng có dòng chữ ''Tiên học lễ hậu học văn'' nhưng đa số đều dạy ngược, dạy kiến thức trước, lễ nghĩa sau.
Chúng em đến trường học, không chỉ để học kiến thức mà còn cả lễ nghĩa. Nhưng em thấy, thầy cô chỉ chăm chăm dạy kiến thức. Còn lễ nghĩa thì rất ít dạy''.
Hòa kiến nghị rằng, thầy cô và nhà trường cần phải thay đổi, cần tăng thời gian dạy lễ nghĩa, không chỉ lý thuyết mà cần thực tiễn. Có thể bắt đầu từ việc xếp hàng ở căn tin trường học.
Những bài học ở các môn: văn, giáo dục công dân... thì ngoài dạy kiến thức, thầy cô cũng nên đi kèm những câu chuyện về lễ nghĩa để dạy cho học sinh.
Cùng quan điểm, Trần Đặng Mai Anh, học sinh Trường trung học phổ thông Lam Sơn, quận Gò Vấp cho rằng, hiện nay học sinh vi phạm pháp luật ngày càng nhiều, nguyên nhân do suy giảm đạo đức.
Có lẽ ngành giáo dục nhìn ra vấn đề nên đưa môn giáo dục công dân vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Mai Anh thẳng thắn nhận định: ''Môn giáo dục công dân là giáo dục cho học sinh đạo đức, lễ nghĩa, cách ứng xử không chỉ ở học đường mà cả ngoài xã hội. Nhưng môn học này có một kiến thức chưa phù hợp với học sinh.
Chẳng hạn như, ở học sinh lớp 10 thì học về chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa duy tâm. Theo em, nên thay thế bằng kiến thức ứng xử học đường''.
Còn Võ Phi Thành Đạt, học sinh lớp 11 trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10 đề xuất, nhà trường nên lồng ghép các hoạt động kỹ năng sống vào tiết học giáo dục công dân.
Về môn ngữ văn, nên xây dựng những tiết học ứng dụng, đưa những câu chuyện thiết thực vào bài giàng để học sinh hứng thú.
''Phải ngồi trong lớp mấy chúc phút để nghe thầy cô truyền đạt những kiến thức trong bài học thì rất chán. Nghe rất buồn ngủ. Em mong, thầy cô không chỉ dạy kiến thức cho chúng em mà còn dạy thêm những kỹ năng sống, kỹ năng thực hành lồng ghép trong bài giảng nữa'', Đạt kiến nghị.
Tiết sinh hoạt dưới cờ không thiết thực
Đỗ Nhật Vi, học sinh Trường trung học phổ thông Đức Trí, quận Phú Nhuận phản ánh trong tiết sinh hoạt dưới cờ hằng tuần, thầy cô phát biểu hoạt động, thi đua, còn học sinh thì ồn ào, mất trật tự.
''Mỗi lần thầy cô này nói xong, chuyển đến thầy cô khác thì các bạn gây mất trật tự. Có bạn còn nói tục, hét to, nói ngang, trong khi đó thầy cô đang nói.
Cách ứng xử của các bạn như vậy rất gây mật trật tự. Em không biết thầy cô có cách nào ngăn chặn được tình trạng ấy không.
Theo em, muốn xây dựng văn hóa học đường ngày càng nâng cao, ứng xử nhã nhặn nơi công cộng thì những điều trên phải chấn chỉnh ngay''.
Còn Minh Tâm, lớp 12 trường trung học phổ thông Thanh Đa, quận Bình Thạnh, nhận xét: ''Cả tuần, chúng em phải học rất nhiều kiến thức, hết toán, văn rồi tiếng anh, tin học... Chỉ có buổi sinh hoạt dưới cờ và sinh hoạt lớp là ít phải học kiến thức hơn.
Thế nhưng, tiết sinh hoạt dưới cờ không thiết thực. Theo em, các thầy cô nên tổ chức thành các chuyên đề, chủ điểm ứng xử học đường để học sinh được học lễ nghĩa trong nhà trường. Từ đó, chúng em sẽ nhận ra cách ứng xử như thế nào là đúng, là phù hợp''.
Tăng tiết học ngoại khóa
Bàn về chủ đề của học sinh đưa ra, cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh hứa sẽ chấn chỉnh lại cho phù hợp.
Cô Tâm cho biết, một tháng trường sẽ tổ chức một buổi đối thoại với học sinh một buổi để lắng nghe ý kiến đóng góp của học sinh. Thông qua đó, nhà trường sẽ điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của học sinh và xã hội.
Thầy Trần Phước Đức, Trường trung học phổ thông Nguyễn Trãi thì, ''nhiều suy nghĩ của học sinh hôm nay cũng là suy nghĩ của chúng tôi. Sau buổi đối thoại này, tôi đã nghĩ tới việc tổ chức hội thảo để lắng nghe học sinh nói''.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Lê Hồng Sơn đề nghị, nhà trường phải tăng cường tổ chức các hoạt động phát huy thể chất và tinh thần như âm nhạc, thể thao, năng khiếu… cho học sinh.
Nhà trường phải xếp thời khóa biểu, dành thời gian hợp lý cho các chuyên đề sinh hoạt ngoại khóa, tiết học ngoài nhà trường để các em không bị áp lực.
Diệu Thuần
0 nhận xét | Viết nhận xét
Nhận xét
Viết nhận xét
Họ và tên:Email:
Nhận xét của bạn: