Làm thầy: Nghề ươm mầm tinh hoa của nhân loại
Mỗi nghề nghiệp đều đáng được tôn trọng, nhưng có một loại nghề mà người ta đã dành hai từ “cao quý” để ngợi ca, đó là nghề giáo viên. Bởi đôi bàn tay họ sẽ chăm chút cho những chồi non vươn mầm mạnh mẽ, trái tim họ sẽ truyền lửa yêu thương trải khắp nhân loại, trí óc họ sẽ giúp những tinh hoa tốt đẹp nhất của thế giới được nhân rộng đến những thế hệ mai sau.
Người thầy là những người cho đi
Nếu bạn muốn tìm một biểu tượng về người cho đi, trước tiên hãy nghĩ đến người Thầy. Các giáo viên dành thời gian, sự quan tâm, kiến thức của họ cho học trò, và họ cho đi bằng sự kiên nhẫn, tận tụy, bằng tình yêu thương, sự chân thành và trung thực. Một giáo viên giống như đài phun nước sẽ truyền cảm hứng cho con trẻ một cách khiêm tốn và kiên trì mãi mãi như thế.
Nếu có thể nhìn vào trái tim một người thầy, bạn sẽ tìm thấy tình yêu ấm áp dành cho con bạn, niềm mong mỏi con trẻ phát triển mạnh mẽ trong cuộc sống và trên con đường của đức hạnh. Đó là người sẽ cảm thấy hạnh phúc khi cho đi tất cả những gì có thể để xây dựng nhân cách và bồi đắp cho thành công của con trẻ.
Người thầy là ngân hàng tri thức
Một giáo viên phải học tập, nghiên cứu trong 6 giờ chỉ để dạy 30 phút cho học sinh trong lớp học. Người ấy sẽ miệt mài đến nửa đêm để chuẩn bị giáo án, những lời đánh giá, chấm bài kiểm tra cho các con bạn. Một giáo viên đáng nhận được sự tôn trọng của chúng ta bởi những điều họ cống hiến trong thầm lặng, đó là những thời gian nghiên cứu trong thư viện để chuẩn bị lời khuyên dạy tuyệt vời cho trẻ, những khám phá, học hỏi liên tục để tìm thêm những điều hữu ích cho các trò, cũng như những khích lệ, động viên các con tìm kiếm tri thức.
Nhiều người lớn chúng ta có thể nhớ về người thầy cũ của mình, người khiến chúng ta tò mò muốn học hỏi, người sẵn sàng giải đáp và mở rộng cho những thắc mắc của chúng ta, và thích thú khi ta trả lời được câu hỏi hóc búa của thầy. Hãy yêu Thầy và hãy dạy con biết kính Thầy bởi đó là người dành cả cuộc đời để trả lời cho hàng ngàn câu hỏi ngớ ngẩn được hỏi từ bất kỳ người trò vụng dại nào, bởi đó là người xây những viên gạch vững chắc trong nhân cách tốt đẹp của con bạn.
Người thầy là “siêu nhân”
Có câu nói vui rằng tiêu chuẩn để làm một người Thầy có thể ví ngang với “siêu nhân”, song thực tế chẳng phải đúng là như thế hay sao? Người Thầy trước tiên là người có nhân cách đạo đức tốt, có sự trung thực, yêu thương, bao dung, nhẫn nại, Thầy lại còn phải thông minh, hiểu biết, dí dỏm, tế nhị và khiêm nhường. Học trò sẽ không bao giờ thấy ở người Thầy đáng kính của chúng những hành vi như hút thuốc, uống rượu, ăn ngấu nghiến, hay nói bậy, chửi thề,…
Người Thầy trước tiên là người có nhân cách đạo đức tốt, có sự trung thực, yêu thương, bao dung, nhẫn nại. (Ảnh: reatimes.vn)
Con trẻ cũng sẽ nhớ về người thầy vĩ đại của con vì Thầy không bao giờ nói: “Trò thật ngốc nghếch khi không biết điều này”, thay vào đó Thầy sẽ bao dung căn dặn: “Con hãy tìm câu trả lời và chia sẻ nó vào giờ học ngày mai nhé!”. Rồi Thầy sẽ tán thưởng cho câu trả lời dù không phải là tốt nhất nhưng có nhiều cố gắng của trò. Và còn nữa, “siêu nhân” của con có vẻ như biết tất cả mọi thứ, nhưng cũng có trường hợp người ấy không biết, thế là con trẻ sẽ học được một bài học quan trọng qua câu trả lời của Thầy rằng: “Ồ, Thầy chưa thể trả lời câu hỏi của con được, nhưng chúng ta hãy cùng tìm hiểu và thảo luận vào tiết học sau nhé!”, đó chính là bài học về sự khiêm nhường, cách trân trọng sự trung thực và đánh giá cao tất cả những nỗ lực học hỏi.
Bạn có biết lý do tại sao mỗi khi bạn chỉ bảo cho con trẻ một điều gì đó thì con bạn lại nói “thầy/cô của con đã dạy con như thế ạ!” Bởi vì con trẻ đã xem thầy/cô của mình như thần tượng, và xem người Thầy như tấm gương để noi theo trong mọi mặt. Một học sinh đã từng về nhà và làm ba mẹ của mình bất ngờ khi nói rằng “Ba mẹ à, cô của con dạy rằng gia đình phải yêu thương nhau, vì vậy xin ba mẹ vui lòng đừng cãi nhau nữa và hãy học cách quan tâm đến nhau”. Chẳng phải đó là lời khen tốt nhất mà một người Thầy có thể nhận được sao?
Người Thầy có tính kỷ luật
Có lẽ kẻ thù lớn nhất của một người giáo viên là các căn bệnh như ho, viêm thanh quản,..Hãy tưởng tượng một giáo viên bị đau họng và đang cố sức truyền đạt kiến thức đến học trò với chất giọng tốt nhất mà thầy/cô có thể. Người Thầy cũng là một con người bình thường, nhưng trong ký ức của chúng ta và cả trong thực tại, hiếm khi ta thấy rằng các thầy/ cô đưa ra lý do: “Tôi không thể đáp ứng thời hạn, vì vậy xin hoãn cuộc họp Phụ huynh học sinh vào ngày mai”.
Một giáo viên nghiêm túc là người luôn đúng giờ và giản dị, chúng ta không hay nghe về những giáo viên với đời sống xa hoa và một đứa trẻ sẽ hiếm khi về nhà và nói rằng thầy/cô giáo của cháu vắng mặt một tuần khi đang giảng dạy trong năm học vì đi nghỉ mát ở Singapore hoặc đảo Bali. Một giáo viên chân chính biết trân trọng giá trị thời gian và lợi ích của con bạn, họ xứng đáng được tôn vinh vì đạo đức nghề nghiệp của mình
Người Thầy dạy cho con bạn trở thành các bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư
Những người thành đạt với các loại nghề nghiệp như bác sĩ, giám đốc, nhà khoa học, kiến trúc sư,…đều cần phải qua học tập và rèn luyện từ Thầy. Những người Thầy nối tiếp nhau vun đắp và hoàn thiện nhân cách cũng như trí tuệ cho chúng ta để chúng ta có thể có được các chức nghiệp tốt trong xã hội, và mong rằng học sinh của họ xứng đáng đi trên những con đường ít gian nan hơn việc làm một người Thầy.
Người giáo viên phải chuẩn bị tâm lý để đón nhận những khó khăn, bởi làm một người Thầy đôi khi đồng nghĩa với việc không có nhiều tiền tiết kiệm, không có đặc quyền của công việc, không nhận được lòng biết ơn, không được tôn kính địa vị xã hội, hay là không có thành tựu được công nhận.
Nhưng nếu bạn muốn trở thành một giáo viên như Thầy, hãy biết rằng bạn có thể nhận được những điều giá trị hơn mọi thứ vật chất khác: đó là tình thương và lòng biết ơn của các học trò, là ý nghĩa cao cả trong công việc “trồng người”, là sự tôn kính của những ai hiểu được giá trị chân chính của người Thầy và cả sự cao thượng trong tâm hồn khi bản thân nỗ lực để trở thành một người Thầy đúng nghĩa.
Và để nhận được những điều trên, có thể bạn phải cống hiến cả tâm hồn yêu nghề, yêu người cùng rất nhiều công sức, nhưng những gì người Thầy nhận được lại chính là những điều vô giá.
Người Thầy xây dựng văn hóa, nhân cách con người
Một đại biểu nhân dân ở nước ta đã phát biểu rất hay rằng: “Tiền không thể mua được văn hóa, không thể mua được đạo đức xã hội. Con người có đạo đức, nhân cách, hình thành từ gia đình, bố mẹ là tấm gương cho các con. Thầy cô cũng phải là tấm gương cho học trò, tiên học lễ hậu học văn; đây là việc quan trọng để ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội”.
[caption id="attachment_5128" align="aligncenter" width="700"] Thầy xây dựng nên nhân cách của tương lai. (Ảnh dẫn qua Tribun Batam)[/caption]
Thật vậy, một giáo viên không chỉ dạy lịch sử hay văn học mà còn truyền thụ đạo đức và văn hóa cho các học sinh. Những đứa trẻ học các bài học của cuộc sống, học cách làm người tốt, biết trân trọng văn hóa, học cách ứng xử có quy tắc và rèn luyện các thói quen lành mạnh. Các em cũng được học về các tri thức trong đời sống, hiểu giá trị của giáo dục thể chất cùng với tầm quan trọng của việc tu dưỡng nhân cách.
Trở thành giáo viên là một nỗ lực hoàn thiện phẩm chất đạo đức của chính mình để vun dưỡng sự phát triển đạo đức cho các thế hệ tương lai. Khi những người Thầy thực sự hiểu được giá trị của việc giáo dục đạo đức cho các học sinh, thì những thách thức trong vấn đề này không phải là không thể vượt qua.
Người Thầy như một người thợ xây cần mẫn, đặt nền móng cho nền tảng đạo đức vững chắc của xã hội. Chúng ta phải biết tôn trọng người Thầy bởi họ không chỉ làm giàu thêm trí tuệ cho các thế hệ, mà còn bởi họ mang một chức nghiệp cao quý trong việc hướng con người tới những giá trị nhân sinh cao đẹp, cũng như hướng đến xây dựng một xã hội mà người người đối đãi với nhau bằng tấm lòng chân thành, bao dung và nhân ái.
Hãy dành cho Thầy sự tôn kính cao nhất
Hãy tôn trọng Thầy của con bạn cũng như bạn đã từng tôn kính người Thầy của mình. Và hãy tin tưởng Thầy ngay cả những lúc thầy/cô nghiêm khắc với con bạn, bởi có thể con trẻ cần được uốn nắn lại hành vi và bởi vì người Thầy luôn mong muốn điều tốt nhất cho học sinh của mình. Khi một giáo viên phàn nàn về con của bạn, bạn nên hiểu rằng họ thực sự không thích làm điều đó, nhưng đó có thể là phương sách cuối cùng của người giáo viên sau khi đã áp dụng tất cả các cách để sửa chữa khuyết điểm cho con bạn, và lúc này đây người Thầy cần sự hợp tác của gia đình để giúp con bạn tốt hơn.
Nếu bạn đã biết những vất vả của nghề giáo, hãy hợp tác và trân trọng những cống hiến của người Thầy, bởi dạy học không phải là một sở thích để giết thời gian. Đừng bao giờ đánh giá người Thầy qua những khoản học phí bạn đã chi trả, bởi vì bạn không bao giờ có thể trả đủ cho những giọt mà hôi Thầy đã lao tâm vì các trò, cho những trăn trở suy tư khi Thầy mong muốn sửa chữa sai phạm cho con bạn, cho những giọt nước mắt vui sướng khi các trò học được cách sống đúng đắn, cũng như khi các trò đạt được những thành tựu, và thậm chí cho cả những giọt máu hay tính mệnh mà có những người Thầy đã dũng cảm cứu trò trong những cơn hoạn nạn nguy cấp.
Kính Thầy, không chỉ vì những con chữ Thầy đã dạy bạn học thành tài, mà còn cho cả những giá trị đạo đức Thầy đã bồi đắp cho bạn. Hãy kính Thầy, vì đó là bước đi đầu tiên để hoàn thiện nhân cách làm người, để trở thành một con người thành công và chân chính, như ông cha đã dạy rằng “Không Thầy đó mày làm nên”.
Nhà văn nổi tiếng Edmondo De Amicis đã viết trong cuốn sách “Tâm hồn cao thượng” của ông rằng: “Hãy yêu quý thầy trong mọi lúc. Và hãy luôn gọi hai tiếng “thầy giáo” với một lòng sùng kính, bởi lẽ, sau người bố, đó là cái tên cao quý nhất, ngọt ngào nhất mà một người có thể dùng để gọi một con người”.
Tuệ Minh – Tâm An
0 nhận xét | Viết nhận xét
Nhận xét
Viết nhận xét
Họ và tên:Email:
Nhận xét của bạn: