Một cách tôn trọng người thầy: Hãy bỏ các quy định hình thức!
Nghị định 88/2017/NĐ-CP gỡ bỏ thủ tục hình thức lâu nay về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức phải có sáng kiến mới hoàn thành nhiệm vụ đã được viên chức các ngành hoan nghênh., trong đó có hơn 1 triệu người thầy. Tuy nhiên, vẫn còn những quy định hình thức cần xem xét để tháo bỏ.
Những quy định về giáo án
Lên lớp phải có giáo án là nguyên tắc đúng nhưng quan niệm như thế nào là một giáo án cũng cần xem lại. Theo từ điển Giáo dục học - Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, năm 2001, trang 104:
Giáo án là kế hoạch và dàn ý bài giảng của giáo viên được soạn trước ra giấy để tiến hành dạy học trong một hoặc hai tiết lên lớp. Trong giáo án thường ghi chủ điểm, mục đích giáo dục và giáo dưỡng, nội dung chi tiết sắp xếp theo trình tự lên lớp, phương pháp và thủ thuật dạy - học của giáo viên và học sinh, công việc kiểm tra và đánh giá, ngoài ra còn chỉ ra những dụng cụ, thiết bị cần thiết phải dùng.
Giáo án được chuẩn bị tốt là đảm bảo cho giờ dạy thành công, do đó cần cân nhắc, tính toán kĩ từng điểm nội dung, từng thủ thuật dạy - học, điều kiện thời gian và thiết bị sao cho phù hợp với đối tượng học sinh trong lớp. Thực tiễn cho thấy giáo án thực hiện thành công ở lớp này không nhất định sẽ thành công ở lớp khác.
Tôi vẫn nhớ năm đầu tiên lên lớp được chữ bài tập môn "Đại số tuyến tính" cho 2 lớp sinh viên khoá 17, khoa toán, Đại học Vinh. Tôi đã tự đóng một cuốn khổ giấy A4, bìa cứng để làm cuốn giáo án cho mình. Tất cả mọi yêu cầu của một giáo án (đã được học ở trường sư phạm) đều được soạn rất cẩn thận. Những năm sau đó, chỉ bổ sung thêm những chi tiết mà kinh nghiệm năm trước đã cho thêm những chi tiết cần thiết.
Sau này khi trình độ giảng dạy đã nâng cao, mỗi khi lên lớp, tôi chỉ còn lại những gạch đầu dòng đơn giản, như các nghệ sĩ đã quá thuộc "vai diễn" của mình.
Trở lại câu chuyện về những quy định của nhiều nhà trường đối với giáo viên.
- Giáo án phải viết bằng tay, chứ không được "gõ" giáo án. Đây là một quy định rất "oái ăm" của thời đại này, khi mà máy tính là công cụ dùng nhiều hơn bút viết đối với rất nhiều người, trong đó có giáo viên. Nếu ai mời tôi đến dạy mà yêu cầu tôi phải có giáo án viết tay thì chắc chắn tôi sẽ từ chối giảng dạy. Với thông tin bùng nổ trên Internet, người giáo viên có thể tham khảo nhiều tư liệu bổ ích đưa vào giáo án của mình. Giáo viên có quyền sao chép những tư liệu công khai để dán vào giáo án. Như vậy là rất tốt. Tại sao lại bắt viết tay? Trừ trường hợp giáo viên muốn lưu lại bút tích của mình để kỉ niệm cho đời sau.
- Giáo án phải soạn lại hàng năm, ghi rõ ngày tháng soạn. Đây cũng là quy định cốt làm khổ thêm giáo viên, khi phải chép lại những giáo án đã dùng nhiều năm. Theo tôi, chỉ cần bổ sung nếu có thêm chi tiết cần vào giáo án cũ mà thấy "kịch bản " đã tốt rồi.
Theo tôi, tuỳ theo số năm dạy và trình độ dạy của giáo viên để quy định về giáo án. Tránh quy định hình thức gây thêm mất thời giờ cho giáo viên.
Nói thêm chút về giáo án điện tử là công việc mà nhiều trường chưa hiểu rõ nên có những yêu cầu không đúng.
Theo tài liệu "Những vấn đề chung về đổi mới giáo dục THCS - môn Tin học" do Vụ Giáo dục Trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành năm 2007 (trang 95) thì "Giáo án điện tử có thể hiểu là giáo án truyền thống của giáo viên nhưng được đưa vào máy vi tính – giáo án truyền thống nhưng được lưu trữ, thể hiện ở dạng điện tử. Khi giáo án truyền thống được đưa vào máy tính thì những ưu điểm, thế mạnh của CNTT sẽ phát huy trong việc trình bày nội dung cũng như hình thức của giáo án. Như vậy, giáo án điện tử không bao hàm có ứng dụng hay không việc ứng dụng CNTT trong tiết học mà giáo án đó thể hiện."
Do hiểu không đúng nên nhiều tiết dạy được coi là có ứng dụng công nghệ thông tin nhưng thực chất chỉ bắt trò "nhìn chép" mà thôi.
Những nơi bắt giáo viên soạn giáo án viết tay chắc sẽ không có giáo án điện tử (?).
Những quy định về sổ sách
Ngoài những sổ sách quan trọng của nhà trường theo dõi quá trình dạy và học (sổ điểm, sổ đầu bài của lớp, học bạ học sinh), những loại sổ khác không nên quy định rạch ròi và kèm theo chế tài kiểm tra.
Chẳng hạn yêu cầu giáo viên phải có sổ ghi chép trong các cuộc họp. Trong thực tế của tôi, việc chú ý theo dõi buổi họp là quan trọng, những quyết định quan trọng của cuộc họp đã có biên bản họp do thư ký cuộc họp ghi chép đầy đủ. Sau cuộc họp, thư ký thông qua chủ toạ gửi cho anh em tham dự là chuẩn nhất. Rất nhiều giáo viên phải thực hiện yêu cầu có sổ riêng và khi họp cũng đành "giả vờ" ghi chép là một kiểu hình thức không cần thiết.
Việc có riêng một cuốn sổ chủ nhiệm cũng không cần thiết, bởi tôi chỉ cần một cuốn sổ và những gì cần cho công việc sẽ ghi vào đó là được. Đây là những ghi chép cá nhân của tôi để tôi làm tốt nhiệm vụ của mình. Có nhất thiết phải kiểm tra xem tôi có ghi và ghi gì hay không?
Việc yêu cầu có sổ, phải ghi, rồi kiểm tra nhiều tư liệu ghi chép của giáo viên, phần nào thiếu sự tôn trọng người thầy. Người ta chỉ có thể quy định như vậy đối với những ai đang học việc mà thôi!
Một thời thông tư 30 đã làm giáo viên tiểu học khốn đốn, con gái tôi phải có một "trợ lý" giúp mà nhiều lúc thức trắng đêm để hoàn thành.
Những quy định về số tiết dự giờ
Để nâng cao tay nghề của bất cứ nghề nào rất cần thiết học hỏi lẫn nhau. Dự giờ là một hình thức học hỏi lẫn nhau, góp ý cho nhau rất tốt đối với nghề giáo. Tuy nhiên khi điều này chỉ trở thành hình thức như một tiêu chuẩn thi đua thì chất lượng của việc dự giờ và bản chất của việc dự giờ đồng nghiệp dạy đã thay đổi. Khi nhận thức của giáo viên thấy cần thiết phải dự giờ, chắc chắn họ sẽ chủ động xin dự giờ, không cần phải phát động phong trào và đưa vào tiêu chí thi đua.
Tôi nhớ khi luyện thi vào đại học ngày xưa, có một số giáo viên đã dự giờ của tôi, thậm chí giáo viên đã mua thẻ học (không cần miễn phí) và dự đầy đủ các buổi dạy của tôi. Các bạn ấy bảo: Đây là cách học nghề nhanh nhất và cảm ơn thầy đã không "đuổi" chúng em ra. Tôi nói: Lẽ ra tôi sẽ đề nghị miễn phí cho các bạn vì giúp các bạn để các bạn dạy học sinh là điều tôi nên làm và các bạn đã chủ động học hỏi là điều rất quý!
Rất nhiều tiết dự giờ, kể cả những tiết dự nằm trong cuộc thi giáo viên giỏi cũng mang tính "diễn" nhiều hơn thật. Tôi đã dự những tiết dạy trong cuộc thi giáo viên giỏi tiểu học toàn quốc ở khu vực phía Nam, thấy rất rõ sự "diễn" vụng về, lạm dụng công cụ trình chiếu để tỏ ra có ứng dụng công nghệ thông tin nhưng cuối cùng khi kiểm tra học sinh thì kiến thức thu được không đạt yêu cầu.
Tôi được biết rất nhiều video quay các tiết dự giờ của chương trình VNEN, cô và trò phải "tập luyện" rất vất vả theo một kịch bản do nhiều người góp ý để cùng nhau "diễn" cho mọi người xem, quay video minh hoạ cho phương pháp dạy học mới.
Bộ GD-ĐT cần quy định rõ về việc này để tránh việc "tuỳ hứng" của các hiệu trưởng, trưởng phòng về yêu cầu số tiết dự giờ phải có trong năm, mà đã quy định thì cấm không cho "tuỳ hứng" nữa.
Những quy định giáo viên phải tự tay làm đồ dùng dạy học
Đồ dùng dạy học hay thiết bị dạy học là công cụ cần thiết để "hành nghề" như các nghề khác cũng có. Nhiều thiết bị dạy học phải do các nhà nghiên cứu chuyên lo việc này và qua một quy trình, cuối cùng có những nhà sản xuất thiết bị. Công việc này là một nghề do các cá nhân, đơn vị thực hiện, không nằm trong nghề dạy học.
Rất nhiều thiết bị dạy học, phần mềm dạy học tốt cần tích cực đưa vào các nhà trường để giáo viên có điều kiện sử dụng làm tăng chất lượng dạy học hơn là bắt buộc giáo viên phải tự làm.
Tuy nhiên, khi dạy học, giáo viên vẫn có những sáng kiến để đưa ra các thiết bị, đồ dùng dạy học rất tốt mà có thể phổ biến rộng rãi hoặc dùng cho chính giờ lên lớp của mình.
Điều là là cần khuyến khích nhưng không nên bắt buộc ai cũng phải nghĩ ra và tự làm. Bởi đây không phải là nhiệm vụ của giáo viên, nó là một chuyên môn khác với đi dạy học. Việc đưa ra một thiết bị hay đồ dùng dạy học là một sáng tạo mà việc sáng tạo không phải ai cũng có khả năng như nhau. Đây là việc khó nên chỉ khuyến khích và đánh giá cao, còn đánh giá hoàn thành hay hoàn thành tốt nhiệm vụ thì không nên đưa vào. Nghị định 88/2017/NĐ-CP bỏ tiêu chuẩn có sáng kiến khi phân loại cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có giáo viên cũng là khắc phục sự thiếu thực tế của tiêu chuẩn này. Bởi vậy việc giáo viên sáng chế đồ dùng dạy học cũng đừng nên đưa vào quy định như kiểu sáng kiến để ép giáo viên phải làm.
Những quy định về số học sinh tham gia, đạt giải trong các cuộc thi
Nhiều giáo viên đã kêu ca trên mạng xã hội về việc các hiệu trưởng ép giáo viên phải ép học sinh tham gia các cuộc thi trên mạng như ViOlympic (thi toán) và IOE (thi tiếng Anh), mặc dù Thể lệ cuộc thi do Bộ GD-ĐT ban hành đều nhấn mạnh đến sự tự nguyện tham gia.
Có nơi lấy số học sinh tham gia, thậm chí là số giải để coi như nhiệm vụ của giáo viên (!).
Điều này dẫn đến tăng áp lực cho giáo viên và chính giáo viên tỏ ra "căm thù" cuộc thi. Như vậy từ một hình thức tự học bổ ích, ứng dụng sức mạnh của công nghệ thông tin cùng đồ hoạ, âm thanh sinh động làm học sinh hứng thú, say mê học đã trở thành một thứ "vũ khí" làm hại cho giáo viên và học sinh.
Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ các cuộc thi này đã coi như đây là một sản phẩm "độc hại"!
Nếu nhận thức của lãnh đạo các đơn vị như phòng GD-ĐT, nhà trường mà không thay đổi thì bất cứ sản phẩm nào cho giáo dục cũng dễ bị trở thành "tội đồ".
Ngoài ra, các nhà trường bây giờ còn tự nghĩ ra nhiều cuộc thi hoặc tham gia nhiều cuộc thi mà bản chất cuối cùng chỉ là chạy theo thành tích.
Công văn về tinh giản các cuộc thi của Bộ GD-ĐT là kịp thời, nhưng dù tinh giản đến đâu mà quản lý không tốt sự triển khai ở các cơ sở giáo dục thì cuộc thi nào, dù tốt đến đâu cũng sẽ lại tạo phản ứng trong dư luận.
Lời kết
Bài viết này đã tham khảo nhiều ý kiến của giáo viên qua các lần tiếp xúc và đọc được trên báo chí.Mong các bạn cùng chia sẻ trao đổi để giúp cho các quy định đối với giáo viên ngày càng hợp lý, nhằm giúp giáo viên có nhiều điều kiện tập trung vào nhiệm vụ dạy học ngày càng tốt hơn, đồng thời tránh những quy định mang tính thiếu tôn trọng giáo viên.
TS. Lê Thống Nhất.
0 nhận xét | Viết nhận xét
Nhận xét
Viết nhận xét
Họ và tên:Email:
Nhận xét của bạn: