Nguồn gốc Bánh Tét và Tết Nam Bộ nghe kể chuyện “Sự tích bánh tét”
Bánh Tét không biết từ bao giờ đã trở thành một đặc sản không thể thiếu trong ngày Tết của con người xứ Nam Bộ như bánh chưng của người Miền Bắc. Nhưng ít ai có thể giải thích một cách chính xác nguồn gốc Bánh Tét ra đời trong hoàn cảnh nào. Chính bởi vậy TeachVN.com đã sưu tầm và tìm kiếm làm rõ nguồn gốc của bánh tét và tục lệ gọi bánh tét ngày Tết của người Nam Bộ
Để tìm đến nguồn gốc ra đời của Bánh Tét chúng ta phải bắt đầu từ kho tàng chuyện được lưu truyền nhiều đời trong văn hóa con người xứ Nam Bộ
Tết Nam Bộ kể chuyện “Sự tích bánh tét”
Không biết từ bao giờ, trong các món ăn ngày Tết của người miền Nam luôn có mặt món bánh tét. Cũng ít ai giải thích được vì sao Tết đến phải gói bánh tét. Nhân ba ngày Tết, đã thử đi tìm hiểu nguồn gốc của tục lệ gói bánh tét ngày Tết.
Theo phong tục Tết cổ truyền nồi bánh tét được nấu vào đêm 30 đón giao thừa. Cả nhà thức chờ quanh nồi nấu bánh, trẻ con làm nhiệm vụ chụm bếp lò, tạo nên không khí ấm cúng, sung túc của buổi sum họp gia đình ngày Tết.
Tết, người Nam Bộ chỉ gói hai loại bánh tét là: bánh tét chay và bánh tét mặn. Bánh chay để cúng ông bà, trời đất, bánh mặn dùng trong bữa ăn. Bánh tét ăn kèm với củ kiệu, dưa chua, thịt kho tàu.
Một số sách vở cho rằng, bánh tét là sản phẩm của sự giao thoa nhiều nền văn hóa khác nhau tại miền Nam. Trong đó, chủ đạo là văn hóa Chăm với tín ngưỡng “phồn thực”. Hình dạng bánh tét là hình tượng Linga. Nó không chỉ là món ăn ngày Tết mà còn chứa đựng cả thuyết âm dương, tam tài, ngũ hành với năm màu sắc: màu xanh của lá gói bánh (lá dứa, lá dong hoặc lá chuối), của nếp được bỏ màu khi gói, màu vàng đậu xanh nhân bánh, hai màu đỏ, trắng của thịt ba chỉ làm nhân bánh và màu đen của tiêu trộn vào nhân đậu xanh hoặc ướp thịt nhân bánh. Đó là năm màu của ngũ hành trong triết học phương Đông: hỏa (màu đỏ), thủy (màu đen), mộc (màu xanh), kim (màu trắng), thổ (màu vàng).
Nguyên liệu làm bánh là từ động vật (thịt ba chỉ) và thực vật (lá gói, gạo nếp, đậu xanh), đại diện cho hai cực âm – dương. Ngoài ra, đậu và nếp cũng là hai cực âm – dương khi được trồng ở hai nơi: đậu trên cạn và lúa nếp dưới nước. Âm dương hòa quyện vào nhau không thể tách rời và làm nên một vật phẩm, một món ăn đặc trưng cho ngày Tết cổ truyền.
Mặt khác, tên gọi bánh tét có cách phát âm gần giống với từ “Tết” nên người ta cho rằng bánh tét là bánh Tết được đọc lệch đi theo cách ăn loại bánh này. Điều này giải thích vì sao bánh tét lại có mặt trong ba ngày Tết của người miền Nam.
Một truyền thuyết khác bổ sung thêm cho nguồn gốc của bánh tét, cách gọi tên bánh và thói quen ăn bánh tét trong ngày Tết được kể như sau:
Vào mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789, Nguyễn Huệ và quân ta đánh đuổi quân Thanh ra khỏi đất nước. Lúc bấy giờ quân lính được nghỉ ngơi, ăn Tết. Trong số quân lính có anh lính nọ được người nhà gửi cho món bánh làm từ gạo nếp, nhân đậu xanh, hình dạng như bánh tét ngày nay (tuy nhiên lúc bấy giờ chưa có tên gọi). Anh lính mang bánh mời vua Quang Trung.
Vua ăn thấy ngon bèn hỏi thăm về loại bánh này. Anh lính kể, bánh do người vợ ở quê nhà làm gửi cho. Mỗi lần ăn bánh, anh càng thương, càng nhớ vợ nhiều hơn. Anh mắc chứng đau bụng (có thể xem là đau dạ dày) nhưng khi ăn bánh này thì lại không thấy đau nữa.
Nghe câu chuyện cảm động của anh lính, vua bèn ra lệnh cho mọi người gói loại bánh này để ăn Tết và đặt tên là bánh Tết nhằm ghi nhớ chiến thắng giặc Thanh vào mùa xuân và thể hiện tình cảm gia đình thắm thiết mỗi độ xuân về. Đó được xem là nguồn gốc của bánh tét trong ngày Tết cổ truyền.
Duy Nguyên
Có sử dụng tài liệu trên website: Báo điện tử Infonet
Link bài gốc: https://infonet.vn/tet-nam-bo-ke-chuyen-su-tich-banh-tet-post10392.info
BẠN NÊN XEM THÊM: Dàn ý thuyết minh về bánh tét hay !
0 nhận xét | Viết nhận xét
Nhận xét
Viết nhận xét
Họ và tên:Email:
Nhận xét của bạn: