Những dàn ý nghị luận xã hội về HIV/AIDS hay
DÀN Ý 1: Dàn ý nghị luận xã hội về HIV/AIDS
Đề 8: “Trong thế giới AIDS khốc liệt này không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết… Hãy sát cánh cùng tôi, bởi lẽ cuộc chiến chống lại HIV/AIDS bắt đầu từ chính các bạn” (Kofi Annan, Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS 1-12-2003).
- Anh/ chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?
1. Mở bài
– Từ thuở xa xưa, loài người đã từng có lúc trải qua những đại dịch khủng khiếp: một trận dịch hạch hay đậu mùa, một thời thổ tả từng tiêu diệt cả một thành phố hay nhiều làng mạc. Chưa có thứ bệnh dịch nào có thể sánh bằng thứ tai họa mà cả thế giới đang phải đối diện hôm nay: HIV/AIDS.
– Nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS (1-12-2003), từ diễn đàn của Tổ chức đại diện cho toàn thế giới, vị Tổng thư kí Liên hiệp quốc Cô-phi An-nan đã gửi toàn thể loài người một bức thông điệp với những lời kêu gọi thống thiết: “Trong thế giới AIDS khốc liệt này không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết… Hãy sát cánh cùng tôi, bởi lẽ cuộc chiến chống lại HIV/AIDS bắt đầu từ chính các bạn”.
2. Thân bài
a) Giải thích
– AIDS là chữ đầu của các từ Acquired Immune Deficiency Syndrome (triệu chứng suy giảm miễn dịch mắc phải). HIV là chữ đầu của các từ Human Immunodeficiency Virus (virus gây suy giảm miễn dịch ở người). Đó là một bệnh của hệ miễn dịch, gây ra do bị nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người.
– AIDS là một căn bệnh khủng khiếp: nó tác động ngay nơi cội nguồn sức đề kháng của con người, nghĩa là nó làm suy giảm khả năng miễn dịch để con người có thể chống lại mọi thứ bệnh từ xưa đến nay. Căn nguyên của thứ bệnh ấy là một thứ siêu vi đã được Y học thế giới nhận dạng và đặt tên là HIV, nghĩa là siêu vi gây ra sự suy giảm miễn dịch ở người.
b) Bàn luận
(1) Hiện trạng: HIV/AIDS là một thảm họa cho loài người
– Bắt đầu từ hai thập niên cuối cùng của thế kỉ, nay đã gần hết mười năm đầu của thế kỉ hai mươi mốt, mặc dù tất cả các nhà y học trên thế giới đã vào cuộc, vẫn chưa có một thứ thuốc nào có thể chống lại thứ bệnh ấy, chưa có một thứ thuốc vắc-xin nào có thể phòng ngừa được thứ virus khủng khiếp ấy. Những thứ thuốc tốt nhất chỉ mới giúp cho người bị bệnh có thể kéo dài sự sống, mọi biện pháp phòng ngừa cũng chỉ là nhằm giảm bớt sự lây lan căn bệnh từ người này sang người khác, không để nó trở thành một đại dịch mang tính toàn cầu mà thôi.
– HIV/AIDS dù chưa là đại dịch, nhưng đang là tai họa. Chỉ cần xem những con số thống kê. Trong năm 2000, toàn thế giới đã có 36,1 triệu người phải sống cùng HIV/AIDS, trong đó có 5,3 triệu người mới nhiễm bệnh. Từ đầu cho đến năm 2000 (trong khoảng hơn mười năm), có 21,8 triệu người chết vì AIDS, mà riêng trong năm 2000 có 3 triệu người. Cho đến năm 2000, trên thế giới có 13,2 triệu trẻ mồ côi bởi cha mẹ chết vì AIDS. Nếu tính trung bình trong năm 2000 thì cứ mỗi ngày trôi qua, thế giới lại có thêm 16 ngàn người nhiễm HIV/AIDS, nghĩa là cứ mỗi giờ thì có 750 người mắc vào thứ bệnh chỉ có chờ chết ấy! Tất nhiên, bước sang những năm của thế kỉ mới, những con số thống kê ấy còn tăng theo cấp số cộng.
– Từ những con số đó, có thể suy ra một con số khác: Những người hiện nay không sản xuất ra sản phẩm, chỉ lo chữa bệnh, và bao nhiêu con người phải tập trung để chăm lo những người bệnh ấy, bao nhiêu thuốc men, tiền bạc đổ vào việc chăm lo cho những người bệnh ấy. Đó là chưa kể bao nhiêu trại nuôi dạy trẻ mồ côi dành cho những đứa trẻ sinh ra đã mang sẵn HIV. Công việc chống đói nghèo của thế giới vốn đã đầy gian nan lại càng thêm gian nan.
(2) Không ai được phép coi đây là việc của người khác, chỉ liên quan đến “họ”, tức những người đã bị nhiễm HIV hay đã bước vào thời kì AIDS
– Trước hết, với đạo lí làm người, không ai được quyền dửng dưng trước tai họa của đồng loại.
– HIV/AIDS đang tác động xấu đến đời sống của nhân loại trên toàn thế giới. Một phần lớn tiền bạc và vật chất của thế giới đang phải dồn cho việc chữa trị bệnh AIDS, lẽ ra sẽ được dùng để sản xuất ra lương thực, phòng chống thiên tai…
– Có nhiều con đường lây nhiễm HIV mà bất kì ai cũng có thể không may gặp phải: truyền máu không an toàn, lây từ mẹ sang con, lây từ đời sống tình dục thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết. Nếu không có những biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ, bệnh có thể đến gõ cửa từng nhà…
(3) Giải pháp: Mỗi người phải làm gì?
– Trước hết, phải lên tiếng. Nói như Cô-phi An-nan: “im lặng đồng nghĩa với cái chết”. Một hiện tượng rất đáng suy nghĩ: Riêng trong khu vực châu Phi cận Sahara, với dân số chiếm một phần mười dân số toàn cầu, thì số người dương tính với HIV chiếm đến 77,98% số lượng toàn cầu. Đó là do thiếu kiên quyết trong việc phòng ngừa. Ở nước ta hiện nay, có những vùng nông thôn xa xôi hoặc những vùng miền núi, có những người hoặc chưa biết hoặc hiểu biết không đúng về HIV/AIDS.
– Phải cảnh báo với tất cả mọi người xung quanh về các nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS để tự mình tích cực phòng tránh.
– Phải có cái nhìn đúng và thái độ đối xử đúng đối với người bị HIV/AIDS:
+ Phải coi họ như những con người không may nhiễm phải một thứ bệnh mà đến nay nhân loại chưa có thuốc chữa. Phải yêu thương và chia sẻ nỗi đau.
+ Không được kì thị, coi những người ấy như người bỏ đi, phải giúp họ tạo dựng được niềm tin và nghị lực để sống và đóng góp. Trừ những con đường lây nhiễm đã được xác định, người ta có thể gần gũi với những người bị bệnh.
– Cần góp một phần công sức vào công việc chung, góp một phần tiền bạc vào công việc phòng ngừa nơi cộng đồng của mình.
c) Bài học nhận thức và hành động
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
DÀN Ý 2: Dàn ý nghị luận xã hội về HIV/AIDS
Đề bài: Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm "chúng ta và họ, thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết. Hãy sát cánh cùng tôi, bởi lẽ cuộc chiến chống lại HIV/AIDS bắt đầu từ chính các bạn". Bạn có thể làm gì để hưởng ứng lời kêu gọi ấy?
Dàn ý
I. Mở Bài
Hiện nay, nhân loại hàng ngày hàng giờ đang phải đương đầu với nạn dịch tràn qua mọi châu lục như một trận gió đen. Đó là nạn dịch HIV, bệnh dịch suy giảm miễn dịch, chưa có phương thức cứu chữa. HIV có thể quét sạch tất cả, không trừ một ai. Thậm chí đó là những đứa trẻ, mầm non của tương lai, là những chàng thanh niên khỏe đẹp có thể biến thiên nhiên thành điện thép cho con người hạnh phúc mai sau. Vì vậy, nhân ngày 1-12-2003, Tổng thư kí Liên hợp quốc đã đưa thông điệp khẩn thiết phòng chống AIDS: “Hãy sát cánh cùng tôi, bởi lẽ cuộc chiến chống lại HIV/AIDS bắt đầu từ chính các bạn”, ở một đoạn khác, ông viết tiếp: Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm “chúng ta và họ”, “thế giới đó”, im lặng đồng nghĩa với cái chết”.
II. Thân bài
1. HIV/AIDS là một thế giới khốc liệt, là thảm họa của loài người.
a. Gần hai thập kỉ cuối cùng của thế kỉ XX và nay đã bước sang thập niên của thế kỉ XXI, mặc dù tất cả các nhà y học tài ba của thế giới đã vào cuộc để tìm ra một thứ thuốc hữu hiệu để chữa căn bệnh đồng nghĩa với tử thần. Đó là căn bệnh có cái tên gớm ghiếc HIV. Nhưng tất cả đang bó tay, chưa tìm được một thứ vacxin nào có thể phòng ngừa và tiêu diệt được thứ virut khủng khiếp ấy. Những thứ thuốc tốt nhất hiện có cũng chỉ có ý nghĩa giúp bệnh nhân có thể kéo dài sự sống và những biện pháp phòng ngừa cũng chỉ nhằm giảm bớt sự lây lan căn bệnh quái ác ấy từ người này sang người khác, không để nó trở thành đại dịch mang tính toàn cầu mà thôi.
b. HIV dù chưa là một đại dịch nhưng cho đến nay nó đã lấy đi hàng triệu sinh mệnh. Nếu tính bình quân, chỉ tính đến năm 2007 thì cứ mỗi ngày trôi qua, thế giới có thèm mười tám nghìn người nhiễm HIV, nghĩa là cứ mỗi giờ thì có bảy trăm năm mươi người mắc vào thứ bệnh mà lưỡi hái tử thần đang kề tận cổ ấy. Tất nhiên cho đến giờ phút này, con số thống kê đang tăng lên một cách đáng sợ.
c. Điều đáng buồn và đáng sợ hơn là hầu hết bệnh nhân đều là những người trẻ tuổi, cái tuổi của tương lai, cái tuổi đang trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần và là niềm hi vọng của mỗi gia đình. Giờ đây họ chẳng những không lao động được mà còn phải tập trung vào chữa bệnh. Kèm theo đó là bao người thản phải tập trung chăm lo cho những người bệnh ấy, chưa kể là bao nhiêu của cái phải lần lượt đội nón ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo ấy. Thế là hậu quả biết bao người vợ mất chồng, người mẹ mất con. Có biết bao trại trẻ mồ côi làng SOS dành cho những đứa trẻ đã mang virut HIV/AIDS mọc lên như nấm. Các bạn hãy tưởng tượng, riêng khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara với dân số một phần mười thế giới thì số người dương tính với HIV đã chiếm gần bảy tám phần trăm dân số. Còn ở nước ta, con số nhiễm bệnh đã lên tới ba trăm nghìn người, số người đã chết lên tới con số hàng mấy chục ngàn người. Theo công bố cua Bộ Y tế, cứ mười phút trôi qua, thì có thêm một người nhiểm phải căn bệnh hiếm nghèo đó.
2. Không có khái niệm “chúng ta” và “họ”
a. Không ai được phép coi đây là việc của người khác, chỉ liên quan đến “họ”, tức là những người nhiễm HIV, hay đang bước sang thời kì AIDS. Trước hết, với đạo lí làm người, không ai được quyền dửng dưng trước tai họa của nhân loại. Vì như Mác đã nói: “Đã là con người thì không ai được phép quay lưng với nỗi đau khổ của đồng loại”. HIV đang tác động xấu đối với đời sống
của loài người. Mỗi năm thế giới chúng ta bỏ ra hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỉ đô la để chữa trị và ngăn ngừa căn bệnh hiểm nghèo ấy. Số tiền đó đáng lẽ có thể dùng để sản xuất ra của cải, lương thực, phòng ngừa thiên tai, xóa đỏi giảm nghèo cho những nước còn chậm phát triển.
b. Căn bệnh quái ác nói trên có nhiều đường lây lan như truyền máu không an toàn, lây từ mẹ sang con, đời sống tình dục không lành mạnh, thiếu ý thức. Nếu xem căn bệnh này chỉ là của ai đó, không liên quan đến mình, không có những biện pháp phòng ngừa triệt để thì thần chết vẫn có thể đến gõ cửa mỗi chúng ta và từng nhà.
3. Phải lên tiếng, phải hành động.
a. Mỗi người phải làm gì? Trước hết phải lên tiếng: phải cảnh báo với mọi người về nguy cơ lây nhiễm căn bệnh quái ác này đế mọi người tích cực phòng tránh. Phải có cái nhìn đúng đắn và thái độ đối xử đúng với những người nhiễm HIV. Phải coi họ như những người không may bị nhiễm căn bệnh mà đến nay y học đang bất lực.
b. Từ những con đường lây nhiễm được xác định, người ta có thể gần gũi, không được coi họ như những người bỏ đi. Không được mặc cảm, định kiến, phải biết yêu thương, giúp đỡ họ tạo dựng được niềm tin và nghị lực để sống khỏe, sống vui. Bởi một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Bởi tình thương nói như Nam Cao là tiêu chuẩn cao nhất để xác định tư cách làm người. Không có tình thương, con người chí là một con vật bị sai khiến bởi lòng ích kỉ. Một lời động viên; an ủi đối với những người nhiễm HIV sẽ tích thêm năng lượng đề họ sống mạnh mẽ, lạc quan hơn.
III. Kết luận
Không được tự chia ra hai thế giới “chúng ta và họ”. Trong thế giới đó, "im lặng đồng nghĩa với cái chết”. Hãy sát cánh bên nhau, bàn tay ấm nóng tình thương, tay trong tay, chúng ta hãy cùng nhau đẩy lùi và tiêu diệt căn bệnh quái ác, khủng khiếp này để loài người không phải sống trong nước mắt mà trong nụ cười tươi vui thân thiện và hạnh phúc.
0 nhận xét | Viết nhận xét
Nhận xét
Viết nhận xét
Họ và tên:Email:
Nhận xét của bạn: