Ông Nguyễn Đức Chung: 3-4 ngày nữa là cao điểm dịch ở Hà Nội
Nhận định tình hình dịch bệnh tới đây có thể diễn biến rất phức tạp, ông Nguyễn Đức Chung khuyến cáo người dân nên ở nhà, hạn chế ra đường và đi xe buýt từ nay đến 31/3.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức chung nhận định con đường chống dịch phía trước của thành phố còn rất gian nan.
Vừa qua, Hà Nội đã làm rất quyết liệt, song theo ông Chung, nếu không định hình lại sẽ lãng phí nhiều về thời gian, công sức và không đủ sức đi chặng đường tiếp theo. Ông đề nghị tạm thời nên dồn sức quản lý các đối tượng thuộc diện F2 đang thực hiện cách ly tại nhà.
Hạn chế ra đường, đi xe buýt
Nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, Chủ tịch Hà Nội đề nghị các đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin để người dân nâng cao tinh thần, ý thức tự giác.
Với các cơ sở kinh doanh, ông khuyến cáo nếu không cần thiết có thể đóng cửa, trừ các cửa hàng xăng, thuốc, lương thực thực phẩm.
Đặc biệt, người đứng đầu chính quyền thành phố khuyến cáo người dân từ nay đến 31/3 nên ở nhà càng nhiều càng tốt, hạn chế đi ra đường và đi xe buýt.
“Nếu nay mai, số ca nhiễm tăng lên 6-8 ca thì người dân có thể dao động, nhưng cần bình tĩnh, chủ động thực hiện các biện pháp ăn uống, chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và gia đình. Không chủ quan, lơ là, cố gắng ở trong nhà càng nhiều càng tốt”, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Nêu thực tế ở các nước như Mỹ, châu Âu, các nước ASEAN đã đóng cửa nhập cảnh nhưng vẫn có công dân các nước trở về, ông Chung nhận định số người Việt ở nước ngoài hồi hương sẽ rất lớn. Hiện có khoảng 600-800 người về, ngày cao điểm lên tới 1.000 người, vì thế, phải tính chỗ ăn ở, cách ly cho số người này. Rất có thể số lượng này lên tới hàng chục nghìn người những ngày tới.
Bởi vậy, Hà Nội đã quyết định thành lập thêm một số khu cách ly tập trung trên địa bàn.
Ngoài ra, một số khách sạn cũng đăng ký sẵn sàng thành nơi cách ly tập trung. Nếu người nước ngoài có điều kiện trả phí có thể đưa họ đến cách ly tại các khách sạn đã được chuẩn bị đủ điều kiện.
Dịch có thể không giảm vào mùa hè
Cho biết Trung Quốc đã trải qua 12 tuần chống dịch Covid-19 và ở quốc gia này, dịch chỉ “hạ nhiệt” từ tuần thứ 9, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng nếu Hà Nội có kịch bản giống như Trung Quốc thì mới đi qua được 2 tuần chống dịch kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên trên địa bàn. Vì vậy, thời gian tới còn rất dài và không loại trừ các ca nhiễm còn tăng lên.
“Nếu giống như Trung Quốc, chúng ta phải chiến đấu với dịch trong khoảng 10 tuần nữa. Thời gian cao điểm của thành phố là khoảng 3-4 ngày nữa”, ông Chung dự báo.
Trước đây, nguồn lây ở giai đoạn 1 chỉ xác định từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng theo ông Chung, hiện nay ta phải đối mặt với nguồn lây nhiễm từ rất nhiều nước. “Nguy cơ lây nhiễm có từ tất cả các quốc gia, chỉ cần lọt 1 trường hợp vào, như Bình Thuận, có thể lây nhiễm cho 9 người”, ông Chung dẫn chứng.
Ngoài ra, bắt đầu có trường hợp lây nhiễm chéo dịch Covid-19 trên địa bàn, điển hình như ca bệnh ở Bình Thuận hay nữ bệnh nhân ở Trúc Bạch.
Về tính mùa vụ, Chủ tịch Hà Nội cho biết thế giới đưa ra nhiều nhận định, trong đó có quan điểm cho rằng dịch có thể giảm vào mùa hè khi thời tiết nóng. Song, ông Chung dẫn chứng hiện ở Malaysia thời tiết nóng vẫn đang bùng phát dịch. Trong nước, Bình Thuận cũng có thời tiết nóng nhưng dịch vẫn lây lan. Từ thực tế đó, Chủ tịch Hà Nội dự báo dịch có thể không giảm vào mùa hè, dù thời tiết có nóng lên.
Thời gian ủ bệnh dù có nhiều nghiên cứu được đưa ra vẫn chưa có kết luận chính xác mà chỉ nhận định chung là khoảng 14 ngay. Theo ông Chung, có những trường hợp phát bệnh trong khoảng 21-27 ngày, thậm chí trường hợp dài nhất lên tới 39 ngày, phụ thuộc vào thể trạng và điều kiện ăn uống, giữ gìn sức khoẻ của bệnh nhân.
Thông tin về các nguồn lây nhiễm trên địa bàn thành phố, ông Chung cho biết nguồn lây nhiễm chính là từ việc tiếp nhận, phân loại và xét nghiệm ngay sân bay Nội Bài. Với hành khách nhập cảnh vào đây theo đường bay quốc tế đã được kiểm soát, còn khách quá cảnh hay vào bằng đường bộ vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Bởi vậy, ông Chung cho rằng nguồn lây nhiễm này còn có nguy cơ gia tăng, rất có thể tới đây Hà Nội sẽ có thêm 6-8 ca nhiễm mới, vì hiện đã có 6-8 trường hợp xét nghiệm dương tính lần 1 với Covid-19.
Nguồn lây nhiễm thứ hai được ông Chung nhắc đến là trong cộng đồng dân cư, khi có nhiều học sinh, sinh viên và khách du lịch vào Việt Nam từ ngày 3/3 và ở trong các khu này.
Nguồn lây nhiễm thứ ba là các cán bộ phải tiếp xúc trực tiếp với công dân diện cách ly. Dù họ có quần áo bảo hộ nhưng tỷ lệ lây nhiễm của người tiếp xúc gần và thực thi công vụ là cao nhất.
Từ đánh giá, nhận định như vậy, ông Chung cho rằng nếu đúng diễn biến như dự đoán, những ngày tới Hà Nội sẽ rất vất vả khi ca nhiễm tăng lên.
Một lần nữa, người đứng đầu chính quyền Hà Nội đề nghị tất cả cơ quan, tổ chức phải nâng mức nhận thức vì tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, thành phố đang chủ động và kiểm soát tốt việc nhập cảnh, xác minh nhanh trường hợp lây nhiễm chéo. Chủ tịch Hà Nội đề nghị với các trường hợp nghi ngờ cần ứng phó nhanh hơn để kịp thời cách ly, hạn chế lây nhiễm.
Theo: https://news.zing.vn/ong-nguyen-duc-chung-3-4-ngay-nua-la-cao-diem-dich-o-ha-noi-post1060224.html
0 nhận xét | Viết nhận xét
Nhận xét
Viết nhận xét
Họ và tên:Email:
Nhận xét của bạn: