Thủ khoa sư phạm chọn lại nghề giáo sau 3 năm học bác sĩ đa khoa
Thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay vốn là sinh viên năm 3 ngành bác sĩ đa khoa nhưng đã từ bỏ ngành học nhiều người mơ ước để chọn lại nghề giáo.
Nguyễn Hoàng Gia Khánh trong ngày khai giảng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng nay 6.9
Hà Ánh
Đó là Nguyễn Hoàng Gia Khánh, tân thủ khoa đầu vào của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM , người chọn nghề giáo sau một thời gian theo đuổi ngành học khác.
Từng là một trong thí sinh có điểm thi cao nhất nước
Nguyễn Hoàng Gia Khánh (24 tuổi, TP.HCM) trúng tuyển vào ngành sư phạm hóa học với 28,05 điểm (điểm các môn gồm: toán 9,6; hóa 9,25 và tiếng Anh 9,2).
Sư phạm hóa học là nguyện vọng 1 trong số 2 nguyện vọng mà thí sinh này đăng ký trong hồ sơ xét tuyển của mình (nguyện vọng 2 là ngành hóa học cũng của trường này). Gia Khánh là thí sinh có điểm trúng tuyển vào trường cao nhất năm nay.
Trước đó, sau khi tốt nghiệp Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM) , Gia Khánh tham dự kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015.
Nguyễn Hoàng Gia Khánh từng là cái tên được chú ý ở thời điểm này khi là thí sinh có tổng điểm 6 môn thi cao nhất cả nước với 53,75 điểm. Điểm các môn cụ thể gồm: toán 9, văn 8, tiếng Anh 8,75, hóa 10, sinh 9,5 và lý 8,5.
Cũng trong năm đó, bằng điểm số cao ngất này, Khánh đã đồng thời trúng tuyển vào 2 trường: Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngành sư phạm hóa bằng tổ hợp khối A với 27,5 điểm và Trường ĐH Y dược TP.HCM ngành bác sĩ đa khoa tổ hợp khối B với 28,5 điểm.
Cuối cùng, bác sĩ đa khoa là ngành học được chàng trai này lựa chọn theo học.
Học giỏi ở trường y nhưng không… hứng thú
Việc học tập để trở thành một bác sĩ đa khoa tương lai vẫn diễn ra đúng tiến độ với kết quả tốt cho đến khi gần hết năm học thứ 3. Điểm trung bình chung học tập Khánh đạt được ở năm nhất là 8,31; năm thứ 2 là 8,11 và học kỳ 1 năm thứ 3 vẫn 7,8…
Tuy nhiên, ngay từ khi bước chân vào giảng đường ĐH, Khánh đã bắt đầu cảm nhận thấy bản thân chưa thực sự phù hợp với ngành học.
Dù ba mẹ đã khuyên, nếu không cảm thấy phù hợp thì có thể dừng để chọn lại ngành khác nhưng Khánh vẫn nỗ lực để vượt qua những môn cơ sở lý thuyết đầu tiên. Năm thứ 2 Khánh vẫn tiếp tục một phần vì quen hơn với cách học và quan trọng bản thân chưa muốn dừng lại khi chưa cố gắng hết sức.
“Nhưng năm thứ 3, khi bắt đầu những buổi học thực tế tại bệnh viện mình mới thực sự bắt đầu có ý nghĩ không thể gắn bó cả đời với nơi này, công việc này. Mình bắt đầu thấy không có nhiều hứng thú với việc học, bài vở nhiều và dồn dập nên bản thân bắt đầu stress”, cựu sinh viên ngành bác sĩ đa khoa chia sẻ.
Và rồi, khi năm học thứ 3 gần kết thúc, Khánh quyết định xin bảo lưu kết quả học tập, nghỉ ở nhà một năm để ôn luyện. Sau 4 năm, ở tuổi 22 Khánh quyết tâm thi lại kỳ thi THPT quốc gia 2019 để chuyển ngành học. Giờ khi đứng trên bục giảng phát biểu ý kiến trong vai trò tân thủ khoa, Gia Khánh đã chính thức nộp đơn xin nghỉ học tại Trường ĐH Y dược TP.HCM.
Vì sao chọn lại nghề giáo ?
Câu hỏi này được tân thủ khoa lý giải một cách rành mạch, dễ hiểu dù rằng chặng đường suốt 4 năm đã không hề dễ dàng để từ một sinh viên trúng tuyển nhưng từ chối nhập học đến khi quyết thi lại để trúng tuyển lần nữa ngành sư phạm hóa học.
Nghề nào cũng có những bất lợi riêng. Nếu thích, mình có thể vượt qua nhưng nếu không thích mà vẫn phải đối đầu với những bất lợi ấy thì không thể sống vui vẻ với nó được
Nguyễn Hoàng Gia Khánh
Khánh nói: “Mẹ em là giáo viên, ông bà em cũng theo nghề này và từ nhỏ em đã có ý thức về việc lớn lên nếu theo nghề này mình sẽ làm những gì. Nhưng ở thời điểm năm 2015, trước những thông tin về khó khăn trước mắt mà nhiều người đều nhìn thấy về việc làm nghề giáo, em đã chọn học để trở thành bác sĩ dù thời điểm đó chưa tìm hiểu nhiều về nó”.
Giờ đây, lý giải cho việc chọn lại nghề giáo để theo học, Khánh nhìn nhận: “Trải qua 4 năm suy nghĩ của mình đã khác hơn nhiều. Giờ thì mình thấy nghề nào cũng có những bất lợi riêng. Nếu thích, mình có thể vượt qua nhưng nếu không thích mà vẫn phải đối đầu với những bất lợi ấy thì không thể sống vui vẻ với nó được”.
Nhìn về phía trước, Khánh cũng cho biết sẽ phải đối mặt với nhiều thứ trên chặng đường đeo đuổi sự nghiệp. Không chỉ là để có được một việc làm mà còn còn trở thành một giáo viên được nhiều học trò ngưỡng mộ.
“Dạy kiến thức chỉ là một chuyện, dạy nhân cách mới là vấn đề lớn. Có những người thầy, người cô đã rất quan tâm tới việc dạy nhân cách học sinh và nhờ vậy mà học trò của họ đã tìm thấy con đường đi đúng đắn hơn. Em cũng mong được là một người thầy như vậy trong tương lai…”, Gia Khánh, người quyết định chọn lại nghề giáo sau 4 năm, trăn trở.
Theo Thanhnien
0 nhận xét | Viết nhận xét
Nhận xét
Viết nhận xét
Họ và tên:Email:
Nhận xét của bạn: