TỰ CẢM VỚI NGHỀ DẠY HỌC
Theo nghề dạy học từ khi tốt nghiệp Khoa Toán, Đại học Sư phạm Vinh tháng 8 năm 1976. Ông đã từng dạy sinh viên ở Đại học Vinh, dạy học sinh nhiều cấp ở nhiều nơi. Kể cả khi không cầm phấn nữa, ông vẫn yêu nghề dạy học, bởi dạy học không nhất thiết là phải lên lớp.
[caption id="attachment_288" align="aligncenter" width="580"] Phút hạnh phúc ngồi giữa các học trò[/caption]
Đúng vậy, nhiều cuốn sách và bài viết về môn toán của ông đã đến với các thầy cô, các học trò. Cách đây vài ngày ông đã chia sẻ nỗi lo của mình khi ngành sư phạm ít thu hút được trò giỏi. Với tâm trạng ấy, ông vừa viết những vần thơ như ông tâm sự: "Để giải toả nỗi lòng của mình...". Xin chia sẻ với các bạn:
TỰ CẢM VỚI NGHỀ DẠY HỌC
Tặng những con người đồng cảm
Ôi! Nghề ta, ta yêu quý suốt đời
Dù kiếp sau có làm người, vẫn chọn
Dù lắm lúc ngỡ như nuôi con mọn
Dù đồng lương mỗi tháng đón chẳng nhiều
Dù phổi mình, bụi phấn bám bao nhiêu
Dù đói no vẫn lo điều dạy trẻ
Dù lời nói phải bao lần tránh né
Dù dạy thêm coi như kẻ tội tình
Dù ra trường chạy việc đến điêu linh
Dù góp ý bị lặng thinh chẳng đáp
Dù bao điều chẳng ưa nhưng cố nạp
Dù điểm cho không dám khác ai lùa
Dù dạy trò nhưng vẫn phải thắng thua
Dù làm thầy vẫn bị mua bán chữ
Dù trồng người vẫn bị mang ra thử
Dù ngợi ca sao mà cứ se lòng
Bởi ta yêu những ánh mắt chờ mong
Bởi ta say lời sáng trong trò nhỏ
Bởi ta quý khăn quàng bay trước gió
Bởi ta mê tiếng trống giữa sân trường
Bởi ta vui trò bay khắp bốn phương
Bởi ta nhận những yêu thương muôn ngả
Bởi ta mừng mỗi khi nâng ai ngã
Bởi ta trao bao mới lạ mỗi ngày
Gia tài là dòng lưu bút chia tay
Doanh thu là học trò nay khôn lớn
Quyền lợi là được cộng niềm vui sướng
Địa vị là được định hướng trò đi
Ai hỏi ta: Nghề giáo được những gì?
Ta đơn giản: Chẳng nghề chi được thế!
Chiều ngày 6/8/2017
Lê Thống Nhất
0 nhận xét | Viết nhận xét
Nhận xét
Viết nhận xét
Họ và tên:Email:
Nhận xét của bạn: