Tự tử học đường - lời kêu cứu của một thế hệ cô đơn
“Năm học lớp 7 em từng bị tẩy chay. Khoảng thời gian đó em đã nghĩ khá nhiều đến chuyện tự tử. Thậm chí em từng thử, nhưng không thành.
Đến tận bây giờ, những suy nghĩ chán chường vẫn luôn thường trực trong đầu em. Có lẽ em sẽ không bao giờ thoát khỏi chuyện đó…” - T.H, học sinh lớp 12 tại một trường trung học phổ thông ở Hà Nội chia sẻ.
Ẩn sau những nụ cười
Suốt buổi trò chuyện, T.H tỏ ra khá dè dặt. Em kể lại câu chuyện của mình bằng một vẻ bình thản, thậm chí có đôi phần tự giễu.
Nhưng sự nghẹn ngào trong giọng nói của em ở những phút trao đổi cuối đã thể hiện rõ, vết thương tâm lý của em chưa bao giờ lành.
T.H hiện đang học ở một trường trung học phổ thông khá nổi tiếng tại Hà Nội.
Môi trường học tập tốt, học sinh đạt điểm số cao và năng động, tuy nhiên cuộc sống của T.H lại không hề vô tư, vô lo như nhiều người vẫn nghĩ về lứa tuổi học trò.
Ngoại trừ một người bạn thân thiết nhất, T.H chưa từng tâm sự với bất cứ ai về việc em từng thử tự tử, kể cả với chính bố mẹ mình.
T.H chia sẻ: “Có đôi lần em nói bóng gió với bố mẹ về chuyện tự tử. Nhưng bố mẹ em luôn cho rằng tự tử là một việc đớn hèn, yếu đuối. Từ đó em không nói thêm với bố mẹ về chuyện này nữa.”
“Em rất sợ bố mẹ biết chuyện, rồi người khác biết chuyện sẽ đánh giá em là người nhu nhược, bi quan, hèn nhát. Thay vì cố gắng thấu hiểu, mọi người sẽ chỉ khuyên răn em mà thôi.”
P.Q, một người bạn của T.H cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự. Mang trên mình cái mác “trường chuyên lớp chọn”, em luôn cảm thấy áp lực.
Trong lúc nhiều bạn bè đồng trang lứa tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, vui chơi giải trí, em chỉ biết vùi đầu vào sách vở.
“Bố mẹ em rất khó. Điểm bài kiểm tra chỉ cần dưới 8 là bố mẹ em không hài lòng. Có những môn em học yếu một chút, trước mỗi kỳ kiểm tra có khi phải thức tới 1, 2 giờ sáng để ôn bài.
Có đợt nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, dù rất muốn nhưng em không thể tham gia vì lịch học dày đặc.
Nhiều lúc em rất chán nản, chỉ muốn buông xuôi, nhưng nghĩ đến sự thất vọng của bố mẹ, em lại phải gồng mình lên…” - P.Q tâm sự.
Khó ai có thể tưởng tượng được trong số những học sinh của những ngôi trường danh tiếng ấy, có bao nhiêu em đeo lên mình chiếc mặt nạ nói cười, chiếc mặt nạ “con ngoan trò giỏi” với chính những người thân thiết nhất của mình.
Để rồi mỗi khi chỉ còn lại một mình trong phòng riêng, các em phải vật lộn với những suy nghĩ chán chường, và những viên thuốc suy nhược thần kinh.
[caption id="attachment_225" align="aligncenter" width="500"] Những dòng tâm sự được đăng tải trên trang của một trường trung học phổ thông.[/caption]
Câu chuyện của T.H hay P.Q không phải là cá biệt. Theo thống kê, trung bình mỗi năm có tới 1 triệu thanh thiếu niên chết vì tự tử.
Tại Việt Nam, tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai với những người trẻ tuổi, chỉ đứng sau tai nạn giao thông.
Mỗi năm, các phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa biết bao thông tin về những vụ tự tử học đường.
Những câu chuyện về 5 em học sinh nữ lớp 7 (tỉnh Hải Dương) tự tử tập thể, hay 3 em học sinh trung học cơ sở (tỉnh Đắk Nông) uống thuốc độc dẫn đến tử vong,... hẳn vẫn còn khiến dư luận phải rùng mình khi nhớ lại.
Xã hội rúng động. Có người thương xót cho sự ra đi quá sớm của các em, có người lại chỉ trích các em nông nổi, bồng bột.
Nhưng theo sau những lời bình luận ấy, chưa có thay đổi nào đáng kể. Những lời kêu cứu của một thế hệ cô đơn vẫn còn bỏ ngỏ trong im lặng.
Hệ thống giáo dục và gia đình - những nguyên nhân không nhỏ
Theo chia sẻ của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Phương Hoa (Phó Trưởng bộ môn Y tế Gia đình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), có nhiều bậc phụ huynh khi tìm đến tư vấn tâm lý thừa nhận rằng mình không thường xuyên trò chuyện với con cái.
Không ít người cho rằng chỉ cần chu cấp cho con một cuộc sống đầy đủ về vật chất là đã hoàn thành trách nhiệm của cha mẹ.
Suy nghĩ này trở nên nguy hiểm khi con cái bước vào độ tuổi vị thành niên, với nhu cầu được lắng nghe, thể hiện tâm tư tình cảm của bản thân đặc biệt cao.
“Có những trường hợp cha mẹ có lắng nghe, nhưng lại đánh giá vấn đề của con chỉ là vặt vãnh, chuyện “trẻ con” không đáng phải lo lắng.
Bị cha mẹ xem nhẹ sẽ khiến trẻ tổn thương, chán chường, cho rằng cha mẹ không quan tâm hay yêu thương mình. Nếu tình trạng kéo dài, trẻ có thể đi đến hành động tự tử”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Phương Hoa chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục của nước ta hiện nay cũng là một vấn đề đáng lưu tâm tới khi bàn về nguyên nhân tự tử của trẻ vị thành niên.
Chương trình học nặng nề, đặc biệt là đối với các trường chuyên (như trường hợp của P.Q nêu trên) khiến áp lực đặt lên vai các em là rất lớn.
[caption id="attachment_226" align="aligncenter" width="500"] Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Phương Hoa nêu ý kiến về tình trạng học sinh tự tử.[/caption]
Ngoài những kỳ vọng của cha mẹ, cũng có trường hợp bản thân các em tự gây áp lực cho chính mình. Đó là hệ quả đáng buồn của một nền giáo dục đặt nặng thành tích.
Các em luôn có tâm lý ganh đua với bản thân, với bạn cùng lớp, thậm chí với anh chị em trong nhà.
Khi vì một lý do nào đó mà các em bị điểm kém, thua thiệt so với bạn bè, các em có thể bị sốc, cho rằng mình kém cỏi, là “đồ bỏ đi” và rơi vào trạng thái trầm cảm, dễ nghĩ quẩn.
Hãy thấu hiểu và lắng nghe
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Phương Hoa, điều quan trọng nhất để giúp trẻ vị thành niên thoát khỏi tình trạng trầm cảm hoặc hành vi tự tử là sự lắng nghe đúng cách từ cha mẹ.
“Việc lắng nghe là cả một quá trình, phụ thuộc vào độ cởi mở của trẻ. Cha mẹ nên trở thành người bạn của con, tiếp cận trẻ một cách nhẹ nhàng, bình đẳng.
Tìm hiểu những vấn đề con gặp phải, hoặc con quan tâm và cố gắng đứng dưới góc nhìn của con để suy xét, hiểu được con cảm nhận thế nào.”
[caption id="attachment_227" align="aligncenter" width="500"] Cha mẹ hãy luôn lắng nghe để hiểu và đồng cảm với con cái.[/caption]
Thay vì áp đặt suy nghĩ của bản thân lên con, cha mẹ nên kiên nhẫn nghe con giãi bày, sau đó trao đổi ý kiến với con, để con cảm thấy tâm tư, suy nghĩ của mình được tôn trọng thực sự.
Khi ấy, trẻ sẽ tin tưởng cha mẹ và dễ dàng tâm sự với cha mẹ hơn.
Nếu trẻ quá thu mình, cha mẹ cũng nên thử tìm các cách tác động khác như: trò chuyện với bạn bè của con, hoặc nhờ thầy cô giáo chủ nhiệm, hay giáo viên trẻ yêu mến quan tâm đến trẻ nhiều hơn.
Việc thường xuyên trao đổi trực tiếp với trẻ, hoặc thông qua bên thứ ba có thể giúp cha mẹ hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra với trẻ, những khó khăn trẻ đang gặp phải để kịp thời giúp đỡ.
“Lứa tuổi vị thành niên rất phức tạp, vừa luôn muốn được quan tâm, vừa muốn chứng tỏ mình là người lớn.
Vì vậy cha mẹ cần phải linh hoạt, khi quan tâm sát sao, khi để trẻ có quyền tự do quyết định. Đặc biệt không nên xâm phạm vào không gian riêng tư của trẻ”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Phương Hoa nhấn mạnh.
Nếu trong trường hợp trẻ từng cố gắng tự tử, nhưng chưa dẫn đến hậu quả xấu nhất, tuyệt đối không nên chì chiết trẻ.
Điều đầu tiên, cha mẹ cần suy xét lại mình đã thực sự quan tâm đến trẻ và hiểu trẻ chưa, nguyên nhân nào đã dẫn trẻ đến hành động tự vẫn.
Đồng thời, cha mẹ cũng nên cùng trẻ đến bác sĩ tâm lý để được tư vấn. Các bậc phụ huynh cần hiểu rõ, khi trẻ đã đi đến quyết định tự vẫn, tức là bản thân trẻ đã rơi vào trạng thái bế tắc cùng cực.
Hoàn toàn không nên xem nhẹ vấn đề của trẻ, và tránh nhắc lại trải nghiệm này hết sức có thể, để tránh làm trẻ xấu hổ, có thể lặp lại hành vi tự tử lần nữa.
Nếu trong trường hợp cần phải nhắc lại, hãy để trẻ cảm nhận được cha mẹ trẻ hiểu rằng đó không phải là một hành vi đớn hèn khi gặp phải bế tắc.
Thay vì khuyên răn, cha mẹ nên bắt đầu một cách nhẹ nhàng như: “Nếu bố/ mẹ gặp phải trường hợp như con, ở lứa tuổi của con, có thể bố/ mẹ cũng sẽ hành động tương tự…” sau đó nhẹ nhàng khích lệ, động viên trẻ.
Ở tầm vĩ mô hơn, về phía các nhà trường cũng cần có sự thay đổi. Hiện nay, chủ yếu các nhà trường bậc phổ thông chỉ chú trọng vào mảng giáo dục văn hóa mà bỏ quên phần kỹ năng mềm, đó là một thiếu sót rất lớn trong xã hội hiện đại.
Trước những luồng thông tin đa chiều từ mạng Internet, nếu không được định hướng đúng đắn, trẻ vị thành niên rất dễ tiếp thu những thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của trẻ.
Cô Đàm Hải Yến - giáo viên Trường Trung học phổ thông Kim Liên (Hà Nội) chia sẻ, mối quan hệ thầy - trò ở bậc phổ thông khó thân thiết được như ở các bậc học thấp hơn, vì giáo viên khó có đủ thời gian và điều kiện để theo sát các em.
Những tiết sinh hoạt ngắn ngủi không đủ để thầy/ cô chủ nhiệm nắm bắt được hết tâm tư, nguyện vọng của học trò.
Nếu chương trình học có thể giảm tải, thay vào đó là tăng cường những tiết học ngoại khóa, đặc biệt là các tiết kỹ năng sống, nơi thầy cô giáo và học sinh có thể thoải mái trao đổi với nhau, mối quan hệ thầy - trò sẽ gần gũi hơn rất nhiều.
Đây là nguyện vọng của không chỉ cô Hải Yến mà còn của rất nhiều học sinh và giáo viên khác.
Cô Hải Yến cũng chia sẻ thêm, việc xây dựng chương trình học kỹ năng sống không phải là quá trình đơn giản và có thể nhanh chóng tiến hành.
Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, điều quan trọng là người làm giáo dục phải có cái tâm - cái tâm để không chỉ dạy các em kiến thức, mà còn trang bị cho các em hành trang để sống lạc quan và bản lĩnh.
Không chỉ riêng các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo cũng nên trở thành người bạn lớn của các em.
Bài, ảnh: Minh Nguyệt
0 nhận xét | Viết nhận xét
Nhận xét
Viết nhận xét
Họ và tên:Email:
Nhận xét của bạn: