Giáo án mầm non ý nghĩa các con số
GIÁO ÁN PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC
Đề tài: Nhận biết ý nghĩa của các con số trong cuộc sống hàng ngày.
Chủ đề: Giao thông.
Lứa tuổi: Mẫu giáo lớn 5 - 6 tuổi.
Thời gian: 25 - 30 phút.
Đơn vị: Trường mầm non Thanh Minh - Thành phố Vĩnh Yên
I. Mục đích – Yêu cầu:
1. Kiến thức:
- Trẻ hiểu ý nghĩa của các con số trong toán học được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày: 113, 114, 115, số nhà, số điện thoại…
2. Kỹ năng:
- Rèn trẻ khả năng quan sát, nhận biết, phân biệt.
- Kỹ năng đếm, sắp xếp, tư duy, phán đoán, tưởng tượng, kỹ năng ghi nhớ có chủ đích.
3. Giáo dục:
- Giáo dục trẻ biết sử dụng các con số đúng lúc, đúng số, đúng thời điểm.
II. Chuẩn bị:
- Bảng của trẻ,
- Máy vi tính, các slide hình ảnh trình chiếu.
- Mỗi trẻ 1 rổ đồ dùng gồm có thẻ số từ 0 đến 9.
- Thẻ các số điện thoại 113, 114, 115 đủ số lượng trẻ, hình ảnh xe cảnh sát cơ động, xe cứu hỏa, xe cứu thương
- Bài hát: Em tập lái ô tô, tập đếm
III. Tiến hành:
Hoạt động của cô | Dự kiến HĐ của trẻ |
1. Gây hứng thú:
- Chào mừng tất cả các con đến với giờ học hôm nay. Các con cùng đứng lên và hát với cô bài hát: Em tập lái ô tô nào!
- Các con vừa hát bài hát nói về xe gì?
- Ô tô là phương tiện giao thông đường gì?
- Ngoài xe ô tô các con còn biết những xe nào nữa (xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe cảnh sát…)
- Tất cả những xe các con vừa kể đều có số điện thoại khẩn cấp được sắp xếp từ các chữ số mà cô đã cho các con làm quen.
2. Bài mới
a. Ôn số từ 1 - 9:
- Các con nhìn xem cô có gì đây? Đây là số mấy? Còn đây?
- Từ những chữ số này cô sẽ tổ chức cho các con một trò chơi có tên gọi: Xếp số còn thiếu: Cô sẽ phát cho mỗi bạn một dãy số được sắp xếp từ 1 đến 9. Trong dãy số đó còn thiếu 1 vài số, nhiệm vụ của các con là phải thêm số để hoàn thành dãy số theo thứ tự từ 1 đến 9.
- Trong khi trẻ xếp, cô quan sát, hướng dẫn trẻ.
- Sau khi trẻ xếp xong cô nhận xét động viên, khen ngợi trẻ.
- Cô cho trẻ cất thẻ số vào rổ.
b. Ý nghĩa của các con số:
- Cô thấy các con rất giỏi, cô khen cả lớp chúng mình nào!
- Các con ạ! Khi các con số đứng riêng lẻ thì thể hiện số lượng tương ứng nhưng khi chúng ghép lại với nhau thì có ý nghĩa to lớn. Và để biết các con số có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống thì hôm nay cô và các con cùng nhau tìm hiểu nhé!
- Cô có một câu chuyện rất hay có tên là “ Chuyện của bé Bi”
* Ngày sinh nhật, số nhà, số đường:
Hôm nay là ngày 20 tháng 3 là ngày sinh nhật của Bi nên Bi được mẹ cho đi thăm quan lễ hội Hoa anh đào tổ chức tại quảng trường thành phố Vĩnh Yên đấy!
- Các con có biết ngày sinh nhật là ngày gì không?
- Con sinh nhật vào ngày nào?
- Cô thấy có rất nhiều bạn nhớ ngày sinh nhật của mình đấy!
- Chúng ta cùng quay lại với câu chuyện của bé Bi nhé!
Trong lễ hội những bông hoa mới đẹp làm sao, bé Bi ngắm hết cây hoa này đến cây hoa khác, bên cạnh đó có một bạn không tìm thấy mẹ đang đứng khóc một mình.
- Bi hỏi: Nhà em ở đâu để anh đưa em về?
- Nếu là con, con sẽ nói với bạn Bi địa chỉ nhà như thế nào?
* Số điện thoại:
- Khi bị lạc ngoài việc nhớ số nhà, khu phố thì đặc biệt các con phải nhớ số điện thoại của bố mẹ, bạn nào nhớ số điện thoại của bố, mẹ mình?
- Cô gọi trẻ lên xếp số điện thoại của bố (mẹ).
- Cô thấy rất nhiều bạn lớp mình nhớ số điện thoại của bố mẹ đấy! Như vậy nếu chúng mình bị lạc đường hãy nhờ người gọi điện cho bố mẹ đến đón chúng mình về.
- Còn em Hà cũng nhớ địa chỉ nhà mình nên được anh Bi đưa về tận nhà. Mẹ Hà vui mừng cảm ơn Bi. Bi tạm biệt bạn Hà và đi về nhà.
* Số cứu hỏa (114)
- Trên đường đi về nhà, Bi thấy nhà bác Nam bị cháy bùng bùng, mọi người đang hốt hoảng dập lửa. Bi chạy đến bốt điện thoại.
- Theo con, Bi sẽ gọi điện cho ai?
- Số điện thoại cứu hoả là bao nhiêu? (2-3 trẻ).
- Các con hãy xếp số 114 nào!
Quả đúng như vậy, Bi gọi ngay cho các chú lính cứu hoả 114 (Cô cho trẻ xem số 114 trên hình ảnh) rồi cùng mọi người dập lửa.
Chỉ ít phút sau các chú lính cứu hoả đã có mặt và dập tắt đám cháy. Gia đình Bác Nam cảm ơn Bi rất nhiều.
- Các con thấy bạn Bi như thế nào?
- Và hôm nay là sinh nhật của bi đấy, các con hãy cùng đứng lên hát bài chúc mừng sinh nhật để tặng Bi nào!
* Số cảnh sát (113)
- Trời tối - trời tối (cho trẻ nhắm mắt). Trời sáng rồi (cho trẻ mở mắt)
- Các con ơi cô có hình ảnh gì đây?
- Vậy số điện thoại khẩn cấp của các chú cảnh sát là 115 đúng hay sai? Vì sao? Vậy số điện thoại của các chú là bao nhiêu?
- Các con hãy cũng xếp số điện thoại 113 của các chú cảnh sát nào! Các con nhìn xem mình đã xếp giống cô chưa! (cho trẻ nhìn hình ảnh trên máy chiếu)
- Vậy khi nào các con được gọi các chú cảnh sát? ( đi lạc, gặp nguy hiểm, thấy đánh nhau…)
* Số cấp cứu (115)
- Các con ạ! Hôm trước cô đau bụng cần phải đi cấp cứu, cô đã gọi cho xe cứu thương đến!
- Vậy số điện thoại cứu thương là bao nhiêu ?
- Cho 1 trẻ lên thao tác chọn trên máy tính (115).
- Cô cho trẻ xếp số 115
- Ngay sau khi cô gọi vào số 115 (cho xem trên màn hình) thì xe cứu thương kịp thời đến và đưa cô vào viện đấy!
- Khi gặp những việc xẩy ra như vậy thì các con phải nhờ sự giúp đỡ của mọi người và các con cần phải nhớ các số điện thoại cần thiết để liên lạc: như số điện thoại của bố mẹ, số nhà, số điện thoại cứu thương, số điện thoại cứu hoả, số điện thoại của cảnh sát, các con đã nhớ chưa nào!…
* Cho trẻ thực hành xếp số
- Trong rổ của mỗi bạn cô đã chuẩn bị rất nhiều các con số đáng yêu đấy! Các con hãy dùng những chữ số này để xếp thành số nhà, số điện thoại, hay ngày sinh nhật mà các con thích (sau khi trẻ xếp xong cô hỏi trẻ về ý nghĩa các con số mà trẻ xếp)
- Cô cho trẻ cất thẻ số vào rổ và để đồ chơi ra phía sau.
* Mở rộng:
- Cô thấy các con học rất ngoan và giỏi cô sẽ thưởng cho các con một chuyến đi tham quan các gian hàng. Và bây giờ nào mình cùng lên xe buýt, nào mình cùng đi chơi nhé! Các con ơi mình đến các gian hàng trưng bày sản phẩm rồi, các con nhìn xem trong gian hàng có những mặt hàng gì? Các con số có mặt khắp mọi nơi: như trong đồng hồ, điện thoại, trong quyển lịch, máy tính, hạn sử dụng, trên các tờ tiền, biển số xe ô tô , xe máy đấy các con ạ!
c. Luyện tập:
* Trò chơi 1: “Tìm chủ nhân của số điện thoại”.
Từ các con số này cô sẽ tổ chức cho các con một trò chơi. Trò chơi có tên: “Tìm chủ nhân của số điện thoại”. Các con chú ý lắng nghe cô hướng dẫn cách chơi nhé!
- Cách chơi: Cô phát cho mỗi trẻ một số điện thoại ( 113, 114, 115) ở các góc lớp có những hình ảnh tương ứng với số điện thoại trên. Các con sẽ vừa đi vừa hát bài: trời nắng, trời mưa khi nhạc tắt các con sẽ chạy về phía chủ nhân của số điện thoại các con cầm trên tay. Bạn nào về nhầm chỗ phải làm theo yêu cầu của các bạn.
- Cho trẻ chơi 2-3 lần, sau mỗi lần chơi cô nhận xét và cho trẻ đổi số điện thoại cho nhau.
* Trò chơi 2: Nối tranh ( chơi theo nhóm)
Vừa rồi cô thấy các con đã tìm đúng chủ nhân của các số điện thoại, bây giờ cô sẽ thưởng cho các con 1 trò chơi nữa đấy. Đó là trò chơi “ Nối tranh”
- Cách chơi: Cô chia lớp thành 4 nhóm. Cô tặng mỗi nhóm 1 bức tranh trong bức tranh có các hình ảnh cùng các con số tự nhiên, nhiệm vụ của các con dùng bút để nối các số với hình ảnh tương ứng. (Cô vừa nói cách chơi, vừa hướng dẫn trẻ). Trong 1 bản nhạc đội nào nối được nhiều và đúng sẽ chiến thắng.
- Cho trẻ chơi theo nhóm
- Trẻ nối xong cô đến từng nhóm kiểm tra, nhận xét.
3. Kết thúc:
- Cô động viên, khen ngợi trẻ và cho trẻ hát bài: tập đếm.
|
- Trẻ hát
- Trẻ trả lời
- Trẻ trả lời
- Trẻ quan sát và trả lời
- Trẻ thực hiện
- Trẻ cất thẻ số vào rổ
- Trẻ quan sát cô xếp ngày, tháng.
- Trẻ nói ngày sinh nhật
- Trẻ trả lời (số nhà khu phố nào?)
- Trẻ nói số điện thoại
- Trẻ lên xếp
- Trẻ trả lời
- Trẻ xếp 114
- Trẻ trả lời
- Trẻ hát chúc mừng sinh nhật.
- Trẻ trả lời.
- Chú cảnh sát
- Trẻ trả lời.
- Trẻ xếp 113
- Trẻ trả lời.
- 1 trẻ lên thao tác
- Trẻ xếp số 115
- Trẻ xếp số theo ý thích
- Trẻ cất đồ dùng
- Trẻ trả lời.
- Trẻ chơi
- Trẻ nối tranh
- Trẻ hát: tập đếm
|
Nhận xét
Viết nhận xét
Họ và tên:Email:
Nhận xét của bạn: