Giáo án kế hoạch Hướng dẫn trẻ tập “gói bánh chưng”
KẾ HOẠCH NGÀY THỨ BA 02/02/2016
Nội dung:
Tìm hiểu khám phá
-Hướng dẫn trẻ tập “gói bánh chưng”
Mục đích – yêu cầu
1.Kiến thức:
- Trẻ biết các nguyên liệu của bánh chưng.
- Trẻ biết quy trình để tạo ra bánh chưng.
- Trẻ biết phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam.
2.Kỹ năng:
- Trẻ có kỹ năng gói bánh chưng.
- Rèn kỹ năng khéo léo của đôi bàn tay.
- Trẻ có kỹ năng kết hợp các nguyên liệu lại thành những chiếc bánh chưng thật là ngon.
- Trẻ có kỹ năng hoạt động nhóm.
3.Thái độ:
- Trẻ hứng thú tham gia hoạt động gói bánh trưng.
- Trẻ có thái độ trân trọng sản phẩm của mình và của bạn tạo ra.
Chuẩn bị
- Lá dong: rửa từng lá thật sạch hai mặt. Dùng dao bài mài thật sắc (loại dao nhỏ chuyên dùng để gọt) cắt lột bỏ bớt cuộng lá, để ráo nước.
- Gạo nếp: gạo nhặt loại bỏ hoàn toàn gạo khác lẫn vào, vo thật sạch, ngâm gạo ngập trong nước cùng 0,3% muối, thời gian: 12-14 giờ, vớt ra để ráo.
- Đỗ xanh: đỗ làm dập vỡ thành các mảnh nhỏ, ngâm nước ấm 40° trong 2 giờ cho mềm và nở, đãi bỏ hết vỏ, vớt ra để ráo rồi cho vào chõ đồ chín, mang ra dùng đũa cả đánh thật tơi đều mịn, chia ra theo khẩu phần, mỗi chiếc bánh chưng được gói với hai nắm đậu xanh nhỏ.
- Thịt lợn: thái thành miếng to dài, tẩm ướp chút muối, tiêu, hành trong 1 giờ.
- Hành củ: bóc vỏ, thái lát mỏng.
- Hạt tiêu: rang thơm, tán nhỏ.
Tiến hành
1.Ổn định- Gây hứng thú:
- Cho trẻ hát và vận động theo nhạc bài: “Tết ơi là tết!”
- Các con vừa hát bài hát gì?
- Người ta hay gói bánh gì vào ngày tết?
- Nhìn xem cô có gì nè?
- Thế ai là người nghĩ ra cách làm bánh này?
- Ngày tết sắp đến con thấy thế nào ?
- Các con có muốn tự tay làm ra những chiếc bánh chưng không?
- Vậy bây giờ cô và các con cùng nhau gói bánh chưng nhé!
2.Nội dung bài mới:
2.1. Trò chuyện và quan sát mẫu :
- Bạn nào biết để làm ra những chiếc bánh chưng này cần có những nguyên liệu gì không?
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu của người Việt Nam trong dịp lễ Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, các gia đình đã không còn tự gói bánh chưng nữa mà chuyển sang mua sẵn. Hương vị ngày tết ngày càng xóa nhòa trong mắt mọi người khi thiếu hình ảnh cả gia đình cùng làm bánh chưng…
- Bánh chưng thường được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong vào các dịp Tết cổ truyền của Việt Nam.
- Các con cùng xem các nguyên liệu cô chuẩn bị đã đầy đủ chưa nhé!
- Trước khi cô trò mình gói bánh chưng thì các con cùng nhau xem video quy trình làm bánh chưng nhé!
2.2. Làm mẫu:
Cách gói bánh chưng:
Có hai cách để gói bánh chưng là gói bằng tay hoặc sử dụng các khuôn bằng gỗ có sẵn để gói. Cách gói bánh có khuôn thì bánh đều nhau hơn và gói nhanh hơn, còn gói bánh không khuôn thì bánh được gói chặt hơn do cảm nhận của đôi tay người gói dẫn đến việc điều chỉnh lực gói.
a.Cách gói bánh chưng bằng tay:
· Rải lạt xuống mâm tròn tạo hình chữ thập,
· Lá dong rải lên trên lạt, chú ý phải quay mặt trong lá ra phía ngoài (để sau này, khi bánh chưng chín sẽ có màu xanh mướt)
· Lượt đầu: 2 lá to rải nằm chồng 1/2 theo chiều dài lá lên nhau,
· Lượt trên: 2 lá rải như lượt đầu nhưng vuông góc với lượt đầu,
· Gạo nếp, xúc 1 bát đầy đổ vào tâm của lá dong, dùng tay gạt đều, tạo hình vuông mỗi cạnh 20 cm,
· Lấy 1 nắm đỗ xanh bóp nhẹ và rải đều vào giữa vuông gạo đến gần hết bìa gạo,
· Thịt lợn, lấy 2 miếng rải đều vào giữa bánh,
· Lấy tiếp 1 nắm đỗ xanh nữa bóp nhẹ rải đều phủ lên trên thịt,
· Xúc 1 bát gạo nếp đổ lên trên và phủ khỏa đều tạo mặt phẳng
· Gấp đồng thời 2 lá dong lớp trên vào, vừa gấp vừa vỗ nhẹ để tạo hình khối vuông,
· Gấp tiếp đồng thời 2 lá dong lớp dưới vào như lớp trên, vừa gấp vừa lèn chặt nhẹ tay
· Dùng lạt buộc xoắn lại tạo thành hình chữ thập.
· 2 bánh chưng buộc úp vào nhau thành một cặp.
b.Cách gói bánh chưng bằng khuôn có sẵn:
- Với cách gói có khuôn các giai đoạn cũng được tiến hành như trên, nhưng lúc đầu, người ta cắt tỉa bớt lá dong cho gọn và đặt trước các lớp lá xen kẽ nhau vào trong khuôn. Sau khi đã cho nhân vào trong, các lớp lá lần lượt được gấp lại và sau đó được buộc lạt.
- Sau khi hoàn thành được các cặp bánh chưng vừa ý, chúng ta sẽ bắt đầu tiến hành luộc bánh. Thời gian luộc bánh chưng thường kéo dài từ 10-12 tiếng đồng hồ để có được bánh dẻo và ngon hơn.
- Trong quá trình luộc, phải liên tục canh mức nước để đảm bảo cho bánh luôn ngập trong nước. Trước khi xếp bánh vào nồi, lưu ý nên rải một ít lá dong thừa xuống dưới đáy nồi để tránh lớp bánh dưới cùng bị dẹp và xấu…
2.3 .Tổ chức cho trẻ gói:
- Tổ chức cho trẻ gói bánh chưng.
- Trong khi trẻ gói cô quan sát và giúp đỡ trẻ.
- Cô tổ chức cho trẻ nhận xét sản phẩm của nhau.
-Trẻ cùng cô xếp vào xoong rồi nhờ bác đầu bếp luộc chín hộ.
3.Kết thúc:
- Cô cho trẻ hát và vận động theo giai điệu bài hát: “Chúc tết”.
- Cô nhận xét giờ học.
Xem thêm:
Nhận xét
Viết nhận xét
Họ và tên:Email:
Nhận xét của bạn: